Thiết lập hệ thống tiêu thụ nông sản cho địa phương bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin danh sách chi tiết doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương đến các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, doanh nghiệp chế biến, cửa hàng trái cây, tiểu thương kinh doanh tại chợ của Thủ đô để chủ động kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về thị trường Hà Nội tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Sản phẩm vải thiều được công nhận OCOP giới thiệu tại siêu thị Big C. Ảnh tư liệu: Phương Anh/TTXVN

Ngoài ra, Hà Nội cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, bán không lợi nhuận, bố trí các khu vực thuận tiện mua sắm…, tạo điều kiện tối đa cho nông sản các địa phương tiêu thụ tại kênh phân phối của đơn vị trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu, cung cấp thông tin về các điểm bán cố định để doanh nghiệp các địa phương khảo sát, đề xuất tổ chức điểm bán nông sản, trái cây tại Hà Nội trong mùa vụ. Sở còn phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, bà Trần Thị Phương Lan cho biết. 

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc cho biết, đồng hành cùng nông dân Bắc Giang là chương trình đã được Tập đoàn Central Retail triển khai thực hiện trên toàn bộ hệ thống 18 siêu thị Big C và GO! miền Bắc, bắt đầu từ ngày 25/5 và sẽ kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của nông dân tỉnh Bắc Giang dần đi vào ổn định. GO! và Big C dự kiến sẽ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản của tỉnh Bắc Giang trong khuôn khổ chương trình này.

Đối với sản phẩm xoài, nhãn Sơn La, phía Big C và GO! đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên trang điện tử và các kênh trực tuyến như Zalo hay App bán hàng. Doanh nghiệp sẽ yêu cầu đội ngũ thu mua làm việc với nhà cung cấp về quy cách đóng gói để thuận lợi hơn trong việc bán hàng trực tuyến và duy trì tăng trưởng doanh thu bán hàng trái cây của Sơn La tại siêu thị Big C, GO! trong thời gian tới. 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart cho biết, từ ngày 29/5, hơn 50 tấn trái vải tươi của Bắc Giang và Hải Dương đã bắt đầu được đưa lên kệ hàng của hệ thống siêu thị Co.op Mart khu vực phía Bắc để tiêu thụ. Trong vụ vải năm 2021 hệ thống siêu thị Co.op Mart đặt mục tiêu sẽ tiêu thụ 400 tấn vải và sẽ vượt 500 tấn nếu dịch bệnh được kiểm soát khả quan.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh thành phố, bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị các địa phương có nhiều mặt hàng nông sản cần chỉ đạo các đơn vị đầu mối, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cung cấp hàng hóa phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khi đưa hàng về tiêu thụ tại thành phố Hà Nội phải chấp hành đúng các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Trung ương, của địa phương và thành phố Hà Nội.

Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông thủy sản của các địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước đó, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ tiêu thụ trên 130 tấn gà  đồi Chí Linh (Hải Dương), trên 14.000 tấn rau củ, trái cây, thủy sản của các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Giang, Sóc Trăng.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, những hoạt động hỗ trợ nông sản tiêu thụ trong cách kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trên kênh thương mại điện tử, bán hàng online không chỉ tháo gỡ ách tắc, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm mà còn quảng bá cho thương hiệu của trái cây, nông sản Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng Hà Nội và cả nước để ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ, giúp người sản xuất bớt khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 53.000 tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành phố với giá trị đạt 680 tỷ đồng.

Nam Giang (TTXVN)
Linh hoạt giải pháp hỗ trợ tối đa cho xuất khẩu nông sản
Linh hoạt giải pháp hỗ trợ tối đa cho xuất khẩu nông sản

Ngày 2/6, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn về tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu các loại nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN