Thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, hướng đến kinh tế tuần hoàn

Thực hiện tốt quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và giúp nước ta sớm đạt được các mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.

Chú thích ảnh
Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh tư liệu: Ngọc Hà/TTXVN

Xây dựng hoàn thiện thể chế

Nhằm cụ thể hóa các hành động hướng đến kinh tế tuần hoàn, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đình Thọ cho biết, Bộ đang xây dựng Dự thảo về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Dự thảo hướng đến mục tiêu chung nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, thực hiện các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm được hình thành từ nhựa; giảm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân đầu theo các năm; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững; đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong các Văn kiện của Đảng, chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Dự thảo Kế hoạch sẽ bao gồm 3 phần chính: Phần 1 là các hoạt động về nhiệm vụ và ngành lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở triển khai đồng bộ các hoạt động, nhiệm vụ tại Kế hoạch kinh tế tuần hoàn và định hướng, giải pháp ngành ưu tiên, trong đó bao gồm nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch hành động theo 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 54 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng hoàn thiện thể chế, hỗ trợ các nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn. Phần 2 là định hướng triển khai thực hiện bao gồm các nội dung về trách nhiệm xây dựng hoạt động, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương. Phần 3 là tổ chức thực hiện về điều phối, giám sát, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Các yếu tố của mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước từ năm 1998 với Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, từ đó đến nay, các yếu tố này đã dần được bổ sung, phát triển trong hơn 12 văn bản cho đến Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Từ năm 1998 với Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã định hướng áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, ít tiêu hao năng lượng.

Trải qua các thời kỳ, Đảng đã liên tục bổ sung các yếu tố của kinh tế tuần hoàn thông qua Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có nội dung: áp dụng các biện pháp buộc các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 2011; Nghị quyết số 24-NQ/TW 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tiếp đó, các yếu tố của kinh tế tuần hoàn cũng được đề cập đến tại Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị ban hành Kết luận só 56- KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xác định nhiệm vụ cấp bách: “Thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt. Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải”. Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “... quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; ... xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn như: Nghị định 94/1998/NĐ-CP quy định miễn thuế theo Luật đầu tư nước ngoài, Luật đầu tư trong nước: chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường; Thuế xuất nhập khẩu (2005) đã miễn thuế đối với việc đổi mới công nghệ; Luật Bảo vệ môi trường 2005, thực hiện ưu đãi: sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được; có phương tiện thu gom rác đã phân loại; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phân loại rác tại nguồn theo điều kiện của địa phương; thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (Điều 87); Luật Bảo vệ môi trường (2014) tiếp tục phát triển các chính sách nêu trên.

Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn như: tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; quy định về kinh tế tuần hoàn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; phát triển công nghiệp, dịch vụ môi trường; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì.

Trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp

Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, ban hành ngày 10/1/2022, doanh nghiệp cần áp dụng kinh tế tuần hoàn bằng các biện pháp: hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hóa sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm; giảm chất thải phát sinh bao gồm: tái chế chất thải (xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích); thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải; thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu, liên kết giữa các dự án đầu tư; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp; áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, doanh nghiệp có 2 trách nhiệm chính khi thực thi Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) gồm: trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý. Đối với trách nhiệm tái chế, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức là tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Còn đối với trách nhiệm xử lý, tổ chức cá nhân, nhập khẩu có trách nhiệm đóng góp tài chính đối với trường hợp sản phẩm, bao bì, bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý; đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Thuấn, Cán bộ Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết, các địa phương sẽ được hỗ trợ thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật hướng đến đối tượng được hỗ trợ là cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền hoặc giao trực tiếp quản lý dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ cấp liên xã trở lên.

Trước ngày 30/9 hằng năm, Hội đồng EPR Quốc gia đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật của năm tiếp theo. Để được nhận hỗ trợ, Chủ dự án đủ điều kiện cần lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10 hằng năm. Hội đồng EPR Quốc gia thẩm định, biểu quyết thông qua đề nghị hỗ trợ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kết quả thẩm định và danh sách đề nghị hỗ trợ được lựa chọn hỗ trợ trước ngày 31/12 hằng năm. Chủ dự án được tạm ứng kinh phí theo hợp đồng thực hiện dự án; việc giải ngân thanh toán theo khối lượng hoàn thành; thời hạn giải ngân không quá 36 tháng hoặc 24 tháng kể từ thời điểm ký kết hợp đồng hỗ trợ đối với các dự án theo các điều kiện tương ứng.

Hoàng Nam (TTXVN)
Nghịch lý trong tái chế nhựa tại Việt Nam
Nghịch lý trong tái chế nhựa tại Việt Nam

Lĩnh vực tái chế nhựa nước ta đang đứng trước nghịch lý. Đó là rác nhựa trong nước thì thải bỏ ra môi trường, còn doanh nghiệp lại phải nhập khẩu phế liệu nhựa để tái chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN