Tìm giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ trái thanh long

Sáng 19/5, tại thành phố Phan Thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ bền vững trái thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Chú thích ảnh
Phân loại thanh long Bình Thuận trước khi đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long được Bình Thuận xác định là cây trồng lợi thế, đặc sản. Sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh với hơn 30 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70 - 80 nghìn lao động.

Tính đến quý I/2022, diện tích thanh long trên toàn tỉnh đạt 29.830, giảm gần 4.000 ha so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thanh long đạt gần 700 nghìn tấn/năm, chiếm 50% tổng sản lượng thanh long cả nước.

Thanh long Bình Thuận tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng từ 2-3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, thanh long Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đồng thời chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc…

Bình Thuận hiện có 14 cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long như: thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long. Phần lớn sản phẩm được tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, những năm gần đây việc sản xuất và tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, nhất là trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Giá thu mua thanh long trong nước giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3 - 5 nghìn đồng/kg.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19, biến đổi khí hậu, hạn hán…, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long còn đối mặt với nhiều thách thức từ bên trong như: việc phát triển cây thanh long còn tự phát, tràn lan; nhận thức của hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp về tổ chức sản xuất và tiêu thụ bền vững còn hạn chế; liên kết sản xuất theo chuỗi chưa nhiều, chưa chặt chẽ; chưa có các chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất, chế biến…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trước mắt, để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản sang thị trường Trung Quốc, nông dân, doanh nghiệp, địa phương phải nắm rõ tình hình, hoạt động của thị trường; quy trình, quy chuẩn sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến nông sản phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy định theo chính sách ZERO COVID của phía bạn.

Xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch đều phải đàm phán rất lâu mới được chấp nhận, nhưng nếu bị phát hiện vi phạm quy định quy trình xuất khẩu một lần thì việc đàm phán phải quay lại ban đầu. Vì vậy, muốn xuất khẩu thanh long bền vững thì phải đảm bảo đúng quy trình xuất khẩu, chú trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo đúng quy định hàng rào kỹ thuật và hàng rào kiểm dịch…

"Các địa phương cũng cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất và quản lý vùng trồng nguyên liệu; đánh giá lại chuỗi giá trị cho các vùng trồng, từ vùng sản xuất tới vùng tiêu thụ để có những chính sách cụ thể từng vùng, tháo gỡ khó khăn", ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương cần tăng cường quản lý quy hoạch, ổn định diện tích có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp, có điều kiện đầu tư sản xuất tại vùng sản xuất tập trung; quy hoạch, phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với sản xuất theo chuỗi; không mở rộng diện tích trồng mới tại vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng không phù hợp.

Bình Thuận nói riêng và các địa phương khác nói chung cần hoàn thiện chuỗi giá trị thanh long; đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp; giảm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian…, đồng thời đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận kiến nghị cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia; từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước.

Các bộ, ngành Trung ương làm việc, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương, cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi tăng thời gian thông quan và lượng hàng hóa thông quan.

Theo anh Lê Văn Dũng, người trồng thanh long huyện Hàm Thuận Bắc, sau gần 2 năm thanh long không tiêu thụ được, người dân đang dần kiệt sức, hết vốn đầu tư. Vì vậy, người dân mong muốn chính quyền địa phương, Trung ương có các chính sách tiếp sức, tạo điều kiện để người nông dân gắn bó, đầu tư tiếp tục sản xuất cây trồng chủ lực của tỉnh.

Các đại biểu cũng nhìn nhận, người sản xuất thanh long cũng cần thay đổi sang tư duy kinh tế, trồng và phát triển thanh long được chứng nhận theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; chủ động tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị; tổ chức lại sản xuất cùng hợp tác thành vùng chuyên canh thanh long với quy mô lớn. Các nhà vườn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất; đa dạng hóa các hình thức kết hợp sản xuất và tiêu thụ, kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp…

Hồng Hiếu (TTXVN)
Thanh long tăng giá trở lại
Thanh long tăng giá trở lại

Sau thời gian giảm giá do hiện tượng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, thanh long Tiền Giang đang tăng giá gấp 3 lần so với thời điểm cách đây 2 tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN