Tín dụng tăng 9,15%, ngân hàng không phải xin room tín dụng

Tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế mới đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm và còn khá xa mục tiêu 14% phải đạt trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Cầu kinh tế yếu, nợ xấu tăng, hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng

Nguyên nhân tín dụng tăng thấp được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết: Do các kênh huy động vốn khác của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) chưa phát huy hiệu quả. Các kênh này chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế nên nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn vào tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. 

“Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng – TCTD dư thừa, lãi suất cho vay giảm nên còn nhiều dư địa để TCTD tăng trưởng tín dụng”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNN&V, Quỹ Phát triển DNN&V... chưa phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, theo lãnh đạo NHNN, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cho biết: Qua công tác thanh tra, giám sát, khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số TCTD, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được.

“Mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD giảm đáng kể nhưng lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) còn cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, thận trọng, lo nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Sẽ phân bổ room tín dụng hơp lý; hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Thời gian tới, dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. NHNN sẽ chủ động triển khai phân bổ hạn mức mức tín dụng một cách hợp lý nhất dựa trên nhiều yếu tố.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp (đáp ứng/không đáp ứng điều kiện cho vay) để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ”, ông Đào Minh Tú chỉ đạo.

Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng dẫn của NHNN và triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu. 

Lãnh đạo NHNN cũng kiến nghị các Bộ, ngành cần có giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa; có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN; xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh bền vững. 

Chú thích ảnh
Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực khuyến khích phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Đinh Hương/TTXVN

Về phía các doanh nghiệp để nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án SXKD khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác...

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong 11 tháng năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị, chính sách an ninh lương thực thắt chặt. Lãi suất tiếp tục tăng để kiểm soát lạm phát (FED 4 lần tăng lên 5,25% - 5,5%/năm; ECB 5 lần tăng lên 4,25%/năm).

Bên cạnh đó đồng USD quốc tế biến động mạnh, tỷ giá tiền tệ nhiều nước mất giá mạnh. Trong nước, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ quốc tế song song với những vấn đề nội tại. Các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, doanh nghiệp, việc làm khó khăn, đơn hàng, thị trường sụt giảm. Thị trường tài chính chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế vẫn tập trung chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng nên tiềm ẩn rủi ro hệ thống.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.

NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Chỉ đạo và tổ chức họp với các ngân hàng để yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

NHNN sẽ nghiên cứu việc công bố lãi suất cho vay bình quân của các TCTD để khách hàng lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để tiếp cận vay vốn.
Minh Phương/Báo Tin tức
Thủ tướng: Không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình
Thủ tướng: Không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình

Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN