Tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, ngày 22/11, tại thủ đô Tokyo, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa tại Nhật Bản. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Chú thích ảnh
 Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hội nghị do ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, và ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản chủ trì. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, thị xã Nghi Sơn, đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh cũng như đại diện các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm đến cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương này.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định đến năm 2030, xây dựng Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành “tứ giác phát triển” khu vực phía Bắc của Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu ấy, tỉnh Thanh Hóa xác định các trọng tâm phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp (nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi cung ứng…), lĩnh vực công nghiệp (chú trọng thu hút các dự án đầu tư sản xuất hóa chất, sau lọc hóa dầu, phụ trợ lọc hóa dầu…), lĩnh vực dịch vụ (kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp gắn với thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái, dịch vụ logistics tại các vùng kinh tế trọng điểm…).

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao uy tín, vai trò và tầm quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện nay, tỉnh đã thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản, đồng thời kiện toàn bộ máy Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tỉnh Thanh Hóa nhằm tăng cường thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho rằng, trải qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện. Hợp tác chính trị, đối ngoại với sự tin cậy cao là nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển thành công và hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng sâu sắc. Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng, thông qua hội nghị lần này, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản sẽ có cái nhìn tổng thể về môi trường kinh doanh, đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa, một trong số ít địa phương của Việt Nam đã thành lập bộ phận chuyên trách hỗ trợ Nhật Bản tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch để mang lại những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa.

Giới thiệu tiềm năng hợp tác cũng như các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Nguyễn Tiến Hiệu cho biết, Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với mục tiêu xây dựng thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: lọc hoá dầu, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu... gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn. Ngoài những chính sách theo quy định của pháp luật ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn như hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn.

Giải đáp các thắc mắc và quan tâm của đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định, tỉnh Thanh Hóa luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ bằng nhiều chính sách ưu đãi mà còn bằng nhiều nỗ lực cụ thể như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cắt giảm thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, đoàn công tác cũng đã đến chào xã giao ông Nikai Toshihiro, nguyên Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do (LDP) Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, làm việc với ban lãnh đạo JETRO, đại diện các doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa như Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Idemitsu... Ngoài ra, trong buổi làm việc tại tỉnh Niigata, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đã cùng với Thống đốc tỉnh Niigata Hanazumi Hideyo ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa-Niigata, qua đó định hướng kế hoạch hợp tác cùng phát triển giữa hai địa phương trong trung và dài hạn.

Phạm Tuân (TTXVN)
Không ngừng vun đắp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Không ngừng vun đắp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm 2021 đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ đối tác chiến lược, điều này được thể hiện trong Tuyên bố chung “Hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của châu Á”, Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio khẳng định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN