Tổng cục Hải quan phản hồi ý kiến doanh nghiệp về hải quan tự động

Trước phản ánh của một số doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của hệ thống VNACCS/VCIS gây ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu, sáng 25/11, Tổng cục Hải quan cho biết, hệ thống đã hoạt động bình thường.

Chú thích ảnh
Tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: TTXVN

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, việc triển khai thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS không thực hiện được, báo lỗi khiến doanh nghiệp, hãng tàu gặp khó khăn trong giao dịch.

Theo Tổng cục Hải quan, ngay sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xác định nguyên nhân, tổ chức làm việc với các doanh nghiệp có liên quan để đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống VNACCS/VCIS, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trên cơ sở làm việc với các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ. Theo đó, đến 00 giờ ngày 25/11, hệ thống VNACCS/VCIS đã hoạt động bình thường.

Tổng cục Hải quan cho biết, qua kiểm tra hệ thống xác định nguyên nhân chính khiến cho hệ thống VNACCS/VCIS bị quá tải tại nhiều thời điểm là do số lượng tờ khai trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến hệ thống tăng mạnh.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng tờ khai nhập khẩu trị giá thấp (MIC) được đăng ký tới hệ thống VNACCS/VCIS trong 15 ngày của tháng 11/2023 là hơn 10 triệu tờ khai.

Số lượng tờ khai MIC gửi tới hệ thống quá lớn dẫn đến việc hệ thống VNACCS phải tốn rất nhiều thời gian để tiếp nhận, xử lý số liệu cũng như phản hồi cho doanh nghiệp. Việc này khiến cho hệ thống VNACCS/VCIS bị quá tải, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu… khác do không thể đăng ký được tờ khai xuất nhập khẩu hoặc không thể lấy được phản hồi thông tin tờ khai trên hệ thống VNACCS/VCIS.

Để xử lý vấn đề này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhóm 2 gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

Theo đó, đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường không, đường biển, cục hải quan tỉnh thành phố và các doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS theo quy định hiện hành.

Đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường bộ, doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan giấy theo quy định tại khoản 6 và khoản 8 Điều 2 Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019.

Tổng cục Hải quan cũng có hướng dẫn cụ thể về khai bảng kê chi tiết hàng hóa; khai tờ khai hải quan; tiếp nhận và xử lý tờ khai giấy và khi đưa hàng qua khu vực giám sát.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị, khi triển khai thực hiện thủ tục hải quan giấy đối với hàng hóa nhóm 2 cần ưu tiên bố trí cán bộ, công chức đảm bảo tốc độ thông quan của hàng hóa tránh xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu nhập và các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh.

Trước đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh, cả tháng nay, việc triển khai thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS không thực hiện được, báo lỗi, có lúc gần như bị tê liệt, khiến doanh nghiệp, hãng tàu gặp khó khăn, không thể giao hàng theo đúng kế hoạch, phát sinh hàng loạt chi phí kho bãi.

Hệ thống VNACCS/VCIS là hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia gồm 2 hệ thống nhỏ: hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là hệ thống VNACCS); hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (gọi tắt là hệ thống VCIS).

Hệ thống VNACCS/VCIS gồm các phần mềm chủ yếu khai báo điện tử (e-Declaration); manifest điện tử (e-Manifest); hóa đơn điện tử (e-Invoice); thanh toán điện tử (e-Payment); C/O điện tử (e-C/O); phân luồng (selectivity); quản lý hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu; thông quan và giải phóng hàng; giám sát và kiểm soát.

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngành hải quan chống thất thu ngân sách nhà nước
Ngành hải quan chống thất thu ngân sách nhà nước

Năm 2023 sắp kết thúc trong khi số thu ngân sách qua hàng hoá xuất nhập khẩu có xu hướng giảm trong thời gian qua, ngành hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp vừa hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa bảo đảm chống thất thu ngân sách nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN