Tổng điều tra toàn quốc để quản 'chặt' các phương tiện thủy nội địa

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký phương tiện thủy nội địa; thay thế Thông tư 75 ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT, nhằm siết chặt tình trạng phương tiện thủy hoạt động bát nháo hiện nay.

Chưa có đăng ký vẫn “chạy chui”

Theo quy định tại Thông tư 75 ngày 19/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), định kỳ ngày 25 hàng tháng, các Sở GTVT địa phương phải báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) kết quả đăng ký phương tiện thủy. Tuy nhiên, việc quy định báo cáo này gần như chìm vào quên lãng, với chỉ khoảng 30 Sở báo cáo, nhưng cũng không đầy đủ, còn lại không báo cáo; mặc dù Cục ĐTNĐVN thường xuyên đôn đốc, đề nghị. Vì vậy, Cục ĐTNĐVN đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký phương tiện thủy, thay thế cho Thông tư này.

Phương tiện thủy nội địa hoạt động trên sống Thao (TP Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tìm hiểu thực tế trên các tuyến đường thủy phía Bắc như: Sông Hồng, Lô, Kinh Thầy... hiện nay khá phổ biến tình trạng phương tiện thủy chở hàng được đóng mới, chỉ có số đăng kiểm, nhưng vẫn tham gia giao thông thủy nội địa, chủ yếu chở vật liệu xây dựng.

Đơn cử, chị Vũ Thị Hồng ở Nam Định cho biết: Gia đình chị đóng tàu được gần 1 năm nay, với số đăng kiểm VR16043807, dùng để chở cát từ Phú Thọ đi Nam Định bán. Giấy tờ đăng kiểm hiện đang thế chấp ngân hàng, nên chị chưa làm đăng ký tàu. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thì chấp nhận nộp phạt...

Theo ông Hoàng Minh Thái, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, thuyền viên (Cục ĐTNĐVN), đến tháng 8/2017, cả nước có hơn 250.000 phương tiện thủy đã đăng ký, đạt 53,1% tổng số tàu thuyền so với kết quả tổng điều tra phương tiện thủy được thực hiện từ năm 2007.

Tuy nhiên, hiện không rõ toàn quốc có bao nhiêu phương tiện thuộc diện phải đăng ký, bởi chắc chắn số lượng điều tra năm 2007 khó có thể chính xác. Các địa phương cũng không kiểm soát, quản lý được phương tiện nhỏ theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Hơn nữa, những biến động thực tế về phương tiện, người lái trong thời gian dài không được các địa phương cập nhật, thông tin đầy đủ.

Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết: “Con số phương tiện thủy có trong dữ liệu đăng kiểm của Cục luôn cao hơn so với số liệu đăng ký. Điều này phản ánh thực tế có những phương tiện đóng mới xong, nhưng không chấp hành đăng ký. Vì vậy, dữ liệu về phương tiện thủy hiện nay không sát thực tế. Số lượng phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu (để cấp đăng ký) hiện mới chỉ đạt 60%, nhưng tỷ lệ quay lại đăng kiểm định kỳ theo quy định của luật lại rất thấp, chỉ khoảng 30%. Trong khi đó, đơn vị làm công tác đăng kiểm không có quyền bắt giữ phương tiện đi trên song để kiểm tra.

Còn theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), đợt ra quân kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy lần nào cũng phát hiện hàng nghìn trường hợp vi phạm lỗi đăng kiểm, đăng ký phương tiện.

Đề xuất giải pháp phù hợp

Trước tình trạng trên, liên ngành Đăng kiểm – CSGT- ĐTNĐ cho rằng, cần tổng điều tra phương tiện thủy nội địa toàn quốc để có số liệu chính xác phục vụ kế hoạch đăng ký, đăng kiểm, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp.

Nhiều tàu thuyền hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa hiện nay chủ yếu chở vật liệu xây dựng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐVN cho biết, một trong những điểm nghẽn trong tổ chức đăng ký phương tiện thủy nội địa là khá nhiều phương tiện không đủ điều kiện được cấp chứng nhận đăng kiểm, nên không thể đăng ký. Vì vậy, tổng điều tra lại phương tiện thủy là cơ sở tốt nhất cho quản lý và quy hoạch phương tiện thủy nội địa.

Để có được bức tranh thực tế về phương tiện, thuyền viên, Cục ĐTNĐVN đã trình Bộ GTVT phương án tổng điều tra toàn quốc về phương tiện thủy, thuyền viên, người lái phương tiện thủy và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy trên toàn quốc. So với năm 2007, cuộc tổng điều tra lần này bổ sung đối tượng là các đơn vị kinh doanh vận tải thủy để có được số liệu thật, phục vụ công tác quản lý.

Theo phương án được đề xuất, sẽ có Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương (do một Thứ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng ban) và Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện. Thời gian tổng điều tra thực tế sẽ diễn ra trong 1 tháng (khoảng tháng 4/2018) và do các Tổ điều tra phối hợp với người đứng đầu cấp thôn, tổ dân phố thực hiện tại từng địa bàn phường, xã hoặc liên xã. Các điều tra viên, tổ trưởng điều tra do Ban chỉ đạo cấp huyện trực tiếp tuyển chọn.

Ông Đỗ Trung Học cho biết thêm, để ngăn ngừa việc thống kê không đúng, trong quy chế điều tra cần nêu rõ vai trò trách nhiệm, chế tài đối với từng cấp, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ tổng điều tra. Có thể giữ nguyên tiêu chí tổng điều tra như trước đây, nhưng bổ sung chế tài xử lý, thậm chí xử lý hình sự nếu xảy ra sai phạm trong thống kê. Đồng thời, có sự kiểm tra xác suất, ngẫu nhiên đối với các cơ sở điều tra, nhằm đảm bảo số liệu điều tra phản ánh đúng thực tế.

Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa
Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về một số giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN