TP Hồ Chí Minh: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,56%

Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 của thành phố tăng 0,56%; trong đó có 3/11 nhóm hàng hóa giảm là dịch vụ bưu chính viễn thông (giảm 0,94%); đồ uống và thuốc lá (giảm 0,31%); may mặc, mũ nón và giày dép (giảm 0,14%); 8/11 các nhóm còn lại tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 1,40%).

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại siêu thị MM Mega Market An Phú, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 9 so với tháng trước, Cục Thống kê thành phố cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,49%; trong đó nhóm lương thực tăng 2,44%, chủ yếu do giá gạo tăng 3,73%, bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,38%; nhóm thực phẩm tăng 0,10%; trong đó, thịt chế biến tăng 0,74%, rau tươi, khô và chế biến tăng 0,87%, thuỷ sản chế biến tăng 0,36% do thời tiết mưa nhiều và nguồn cung giảm; dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,63%.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 1,11%, chủ yếu do giá gas và các loại chất đốt tăng 8,93%; trong đó giá gas điều chỉnh tăng từ 30.000 - 35.000 đồng/bình 12kg, giá dầu hoả tăng 8,12%, nước sinh hoạt tăng 1%, điện sinh hoạt tăng 0,81%, nhà ở thuê tăng 0,86% do nhu cầu sinh viên thuê để ở tăng. Tương tự, nhóm giao thông tăng 1,40%, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng 3,19%; trong đó giá xăng tăng 3,55%, dầu diesel tăng 5,96%; phương tiện đi lại tăng 0,31%, phụ tùng tăng 0,02%.

Trong tháng 9/2023 có 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu (ngày 5/9, ngày 11/9 và ngày 21/9) làm cho nhóm nhiên liệu tăng 3,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, bình quân 9 tháng năm 2023 giá xăng, dầu giảm 15,40%, tác động làm CPI chung giảm 0,53 điểm phần trăm.

Nhóm giáo dục tăng 0,28% so với tháng trước, do việc điều chỉnh giá học phí của một số trường cho năm học mới. Nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,21%, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng như đồ dùng cá nhân tăng 0,27%, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,26%.

Ở chiều hướng giảm, nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,31%; trong đó bia các loại giảm 0,73%, nước khoáng và nước có ga giảm 0,25%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,14%, do nhu cầu tiêu dùng giảm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,94% so với tháng trước chủ yếu do các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán các mặt hàng điện thoại và phụ kiện.

Theo Cục Thống kê thành phố, bình quân 9 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,45% so với cùng kỳ (bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,18%), chỉ trừ nhóm giao thông giảm 3,68% và bưu chính viễn thông giảm 1,45%; 9 nhóm còn lại đều tăng; trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,88%, đồ uống và thuốc lá tăng 4,19%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,54%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,06%, giáo dục tăng 14,72%.

Trong tháng 9/2023, chỉ số giá vàng tăng 1,69% so với tháng trước; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 0,55% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tăng 1,55% so với tháng trước; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,81% so với cùng kỳ.

A.Tuấn (TTXVN)
Chỉ số giá tiêu dùng biến động theo giá gạo, gas, xăng dầu và học phí tăng
Chỉ số giá tiêu dùng biến động theo giá gạo, gas, xăng dầu và học phí tăng

Số liệu thống kê về chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2023 được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 29/9 cho biết: Tháng 9/2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,08% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng các tháng 9 kể từ năm 2019 tới nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN