TP Hồ Chí Minh hủy làm buýt nhanh BRT vì thấy không hiệu quả

Dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 chạy dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đã được UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất dừng triển khai vì không đảm bảo hiệu quả.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa quyết định dừng triển khai dự án BRT số 1 vì không hiệu quả.

UBND TP Hồ Chí Minh mới đây đã thống nhất dừng triển khai tuyến BRT số 1 trên tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ ngay sau khi có kết quả nghiên cứu của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về tính khả thi, hiệu quả của dự án.

Theo nghiên cứu của Sở GTVT, nếu tuyến BRT số 1 được đầu tư và đưa vào hoạt động thì sản lượng khai thác không nhiều hơn bao nhiêu so với các tuyến buýt thường. Cụ thể, lượng khách năm đầu tiên chỉ vào khoảng gần 18.000 người/ngày, khác xa so với dự báo trước đây là hơn 24.700 người/ngày, trong khi đó, kinh phí đầu tư BRT rất lớn, có tổng mức đầu tư 143,679 triệu USD với năng lực vận chuyển tối đa lên đến 132.000 khách/ngày.

Theo đó, các chuyên gia cũng đã có đề xuất mở tuyến buýt chất lượng cao trên tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ thay cho dự án BRT sẽ tiết kiệm rất lớn nguồn kinh phí, chủ yếu là vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. Như vậy, TP Hồ Chí Minh sẽ không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT…

Ngoài vấn đề trên, việc triển khai tuyến BRT số 1 sẽ còn mắc phải nhiều yếu tố bất cập mà các nhà khoa học đã đề cập trước đó nếu như không có giải pháp tháo gỡ, chẳng hạn như ý kiến của TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, đã xác định 3 tiêu chí triển khai tuyến BRT số 1 là: nhanh, chi phí thấp, an toàn và thuận tiện.

Tuy nhiên theo TS. Tân, trong các tiêu chí này, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí về tốc độ di chuyển vì lưu lượng xe cá nhân đang tăng quá nhanh. Do đó, nếu triển khai đầu tư tuyến BRT phải tính toán việc gắn với “liên dự án” khác gồm vành đai 2, bến xe Miền Tây mới, Metro để nhằm kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân.

Nếu dự án BRT số 1 triển khai, TP Hồ Chí Minh phải tiêu tốn nguồn kinh phí lên đến gần 144 triệu USD.

Được biết, tuyến BRT số 1 là một trong sáu tuyến BRT đã được Thủ tướng phê duyệt tại TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án BRT số 1 (chạy dọc hành lang đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) là rút ngắn thời gian đi lại trên hành lang Đông - Tây của thành phố.

Theo đề án trước đó, tuyến BRT số 1 có chiều dài quãng đường 23km, mặt cắt ngang đường bố trí 2 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và có lí trình khai thác năm đầu tiên (2019) từ vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh) tới Rạch Chiếc (quận 2). Như vậy, tuyến BRT này sẽ kết nối vào bến xe Chợ Lớn (quận 5) và chợ Bến Thành (quận 1).

A.Đ/Báo Tin Tức
Tháng 9 sẽ thử nghiệm thẻ vé xe buýt điện tử trên tuyến BRT
Tháng 9 sẽ thử nghiệm thẻ vé xe buýt điện tử trên tuyến BRT

Từ ngày 24/7, Sở GTVT Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã thay thế 16 xe mới có sức chứa 60 chỗ trên tuyến xe buýt số 31: Bách Khoa - Chèm (ĐH Mỏ) với đầy đủ các tiện ích như wifi miễn phí, trang bị bảng LED trên xe và nhận diện thương hiệu mới là hình ảnh cánh chim bồ câu cách điệu gắn biểu tượng Khuê Văn Các và sơn màu xanh nước biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN