TP Hồ Chí Minh: Nguồn cung xăng dầu đang dần ổn định

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các nhà phân phối xăng dầu, nguồn cung xăng dầu tại thành phố đang dần ổn định, không có hiện tượng găm hàng.

Chú thích ảnh
Chiều 12/10, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh điều hành cuộc họp báo định kỳ.

Chiều 12/10, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và các hoạt động nổi bật của ngành trong quý III/2022.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về nguồn cung xăng dầu hiện nay, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn khó khăn, đỉnh điểm là 137/550 cửa hàng không đủ xăng phục vụ người dân. Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng này xảy ra, trong đó nguyên chính là do các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kinh doanh khó khăn do nhập hàng giá cao. Ngoài ra, các kho xăng của nhà phân phối còn xăng nhưng gặp khó khi vận chuyển về cửa hàng bán lẻ…

Chú thích ảnh
Những ngày qua, TP Hồ Chí Minh cao điểm có 137/550 cây xăng đóng cửa do thiếu nguồn cung.

“Khi xảy ra tình trạng trên, Thành phố đã kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn là Công ty xăng dầu Quân đội, PV Oil và Petrolimex Saigon… choàng gánh, cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ; các xe bồn chở xăng được hỗ trợ chạy xoay vòng để bơm xăng về các khu vực hết xăng… Nhờ vậy, nguồn cung xăng dầu dịu xuống và dần đi vào ổn định cho tới kỳ điều hành giá xăng sắp tới”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời điểm giá xăng dầu tăng, tình hình cung ứng trên địa bàn đã dần dịu đi. Cụ thể, nếu trong ngày 10/10, chỉ có 7,4% số cửa hàng nhập được xăng dầu về và phục hồi kinh doanh thì đến ngày 11/10 tỷ lệ này đã lên đến 39%, riêng ngày 12/10 đã tăng lên khoảng 68%.

"Liên quan đến tình trạng găm hàng chờ giá, qua kênh kiểm tra chính thức chúng tôi xác định, đến nay chưa phát hiện tình trạng chủ cửa hàng xăng dầu cố tình găm hàng, lợi dụng giữ hàng lại để bán tăng giá, thu lợi bất chính trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tại những cây xăng đóng cửa, khi kiểm tra đo bồn, quả thực họ đã hết hàng", ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.

Chú thích ảnh
Người dân mệt mỏi khi phải xếp hàng chờ đổ xăng vì nhiều cây xăng treo biển "hết hàng".

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, mỗi ngày, các đội QLTT khu vực đều phải báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu theo 3 đợt, vào lúc 8 giờ, 11 giờ 30 và 16 giờ 30 phút. Bên cạnh việc nắm bắt tình hình toàn thành phố và báo cáo liên tục, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn.

Là đơn vị cung ứng xăng dầu lớn nhất TP Hồ Chí Minh, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Saigon) cho biết, số cửa hàng thuộc sở hữu và nhượng quyền của doanh nghiệp chiếm khoảng 20% trong tổng số 550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đơn vị cung ứng đến 40% sản lượng toàn TP Hồ Chí Minh. Bình quân 9 tháng qua, sản lượng bán lẻ xăng dầu các loại thuộc sở hữu của đơn vị này khoảng 1.500 m3/ngày.

"Từ đầu tháng 10, khi có một số cửa hàng của đơn vị kinh doanh khác tạm ngừng vì nhiều lý do, nhu cầu cung cấp xăng trên địa bàn tạm thời gây áp lực lên Petrolimex Saigon. Cụ thể, ngày 8/10, sản lượng cung cấp xăng tăng lên đến 1.800 m3, còn trong các ngày 10 - 12/10 đạt khoảng 3.100 m3/ngày, tức tăng hơn 200%. Tuy nhiên, từ 15 giờ chiều 11/10 đến 12 giờ ngày 12/10, áp lực cung cấp xăng lên các cửa hàng của Petrolimex Saigon đã giảm 30%", ông Đào Văn Hùng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh trả lời báo chí trong chiều 12/10.

Cũng theo ông Đào Văn Hùng, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, đơn vị đã nỗ lực rất nhiều, từ quá trình tạo nguồn, nhập khẩu đến phân phối, xuất hàng linh hoạt, kéo dài thời gian xuất đêm, tăng gấp đôi lượng xe bồn lưu thông để đưa xăng về các cửa hàng xăng dầu bị thiếu nguồn cung. Theo đó, lượng tồn kho xăng dầu đến sáng 12/10 vẫn trên 300.000 m3, từ 13/10 đến cuối tuần dự kiến thêm 100.000 m3 nữa. "Như vậy, nguồn cung xăng dầu của Petrolimex Saigon sẽ đảm bảo đến hết tháng 10 cho các đơn vị. Tôi tin với tình hình điều chỉnh giá và điều hành của cơ quan chức năng, 1 - 2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường", ông Đào Văn Hùng nhấn mạnh.

Tính đến tối 11/10, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết đã có 137/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, chủ yếu ở huyện Hóc Môn với 18 cửa hàng; huyện Củ Chi và quận Bình Tân có 16 cửa hàng; thành phố Thủ Đức có 15 cửa hàng; Quận 12, Bình Thạnh có 10 cửa hàng... Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ và 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức trong ngày 12/10, nhiều cây xăng ở TP Hồ Chí Minh đã mở bán bình thường với lượng khách không quá đông. Người dân cũng không còn phải đợi chờ lâu để tới lượt đổ xăng. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng chưa có đủ nguồn hàng liên tục, phải tạm ngừng bán chờ xăng về hoặc chỉ bán tối đa 50.000 đồng/xe máy và khoảng 200.000 - 500.000 đồng/ôtô.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Bình Phước vẫn chưa được cải thiện
Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Bình Phước vẫn chưa được cải thiện

Sau 10 ngày xảy ra tình trạng hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đóng, hoặc chỉ bán với số lượng ít, đến hôm nay 12/10 tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN