TP Hồ Chí Minh vận hành và thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4

Sau thời gian thu phí thử nghiệm, bắt đầu từ ngày 1/4, TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức vận hành và thu phí hạ tầng cảng biển. Việc thu phí hạ tầng cảng biển ở TP Hồ Chí Minh sẽ dùng ứng dụng thu phí không tiền mặt, các đơn vị liên quan đều làm việc từ xa và thông tin được đồng bộ trên hệ thống.

Chú thích ảnh
Đại diện các sở ban ngành TP Hồ Chí Minh trả lời báo chí về các mức phí thu sử dụng hạ tầng cảng biển trong ngày 25/3.

Ngày 25/3, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức họp báo về việc triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh (viết tắt là thu phí hạ tầng cảng biển).

Theo đó, các trường hợp tham gia dịch vụ thu phí hạ tầng cảng biển gồm những tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất khẩu, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sử dụng công trình hạ tầng cảng biển TP Hồ Chí Minh (bao gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan tại TP Hồ Chí Minh và ngoài TP Hồ Chí Minh).

Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển sẽ được áp dụng: đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40 feet (Ft) và 2,2 triệu đồng/container với container 20ft. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống thu phí hạ tầng có hai cổng thông tin để tiến hành thu phí. Theo đó, các đơn vị có thể kê khai thông qua hệ thống với thông quan của hải quan và cổng thông tin điện tử của Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh. Việc kê khai qua hệ thống rất tiện lợi, nhanh chóng, không có thủ tục rườm rà.

“Đặc biệt, hoạt động thu phí hạ tầng đều sử dụng qua công nghệ và không sử dụng tiền mặt. Do đó, không cần có chốt hay trạm thu phí ở các cảng. Các hoạt động theo dõi và liên kết với các bên chỉ cần làm việc trên hệ thống mà đơn vị đã chuẩn bị từ trước đó. Sau quá trình thử nghiệm, các doanh nghiệp đều cho rằng việc kê khai trên hệ thống khá dễ, chỉ mất khoảng 1-2 phút là thực hiện xong. Chỉ cần nhập tờ khai, mọi dữ liệu bên tờ khai hải quan sẽ được đồng bộ trên hệ thống. Nếu bên tờ khai hải quan đã thực hiện đúng thì việc liên thông qua tờ khai thu phí là rất nhanh”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Chú thích ảnh
 Tổng mức đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2020 – 2030 tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 93.247 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thu phí thực hiện theo Luật phí, lệ phí có hiệu lực từ 1/1/2017. Đến cuối năm 2020, HĐND TP Hồ Chí Minh mới ban hành Nghị quyết 10 về thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển, chậm hơn 3 năm. Sau đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND Thành phố đã 2 lần trình HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua việc tạm hoãn thu phí, lần đầu là đến 1/10/2021 và lần 2 là đến 1/4/2022. Số tiền dự tính thu trong 9 tháng tạm hoãn là khoảng 2.205 tỷ đồng. Đây cũng là một phần để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Sang năm 2022, từ 0 giờ ngày 16/2 đến hết 15/3, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Sau thời gian thu phí thử nghiệm, các đơn vị liên quan sẽ rút kinh nghiệm để sẵn sàng thu phí chính thức vào ngày 1/4.

“Hiện nay, các cơ sở hạ tầng khu vực cảng biển sau quá trình khai thác cũng đã xuống cấp, hư hỏng mà nguồn kinh phí đầu tư hạn chế. Hy vọng, qua việc thu phí này có thể bổ sung đầu tư cơ sở hạ tầng, đường đi thông thoáng, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Nguồn thu này sẽ được bổ sung cho ngân sách Thành phối để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển tại thành phố. Dự kiến,  tổng mức đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2020 – 2030 là khoảng 93.247 tỷ đồng. Nguồn thu phí cảng biển trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 theo Đề án là 16.000 tỷ đồng, chỉ bù đắp một phần nhu cầu vốn đầu tư các công trình thời gian tới”, ông Bùi Hòa An cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tắc nghẽn tại các cảng biển Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Tắc nghẽn tại các cảng biển Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển của Trung Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 nóng lên tại các trung tâm sản xuất xuất khẩu có nguy cơ gây ra một loạt cú sốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định chung của các chủ sở hữu tàu container, các công ty logistics và các chuyên gia phân tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN