Tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng

Kinh tế tháng 7 đã khởi sắc hơn, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực...; đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp đang dần được tháo gỡ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 6,5%. Muốn vậy, 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ. ngành, địa phương phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, những tháng cuối năm ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân. Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội…

Có 6 nội dung được Thủ tướng đặc biệt lưu ý gồm: Bảo đảm cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cung, tổng cầu, 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả (tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ..., tăng hạn mức tín dụng, cung tiền M2 phù hợp); Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả nhanh chóng, dứt khóa (tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đẩy mạnh đầu tư công...); Bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, theo dõi sát tình hình bên trong và bên ngoài để có đối sách phù hợp kịp thời; Rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế và văn bản.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương, thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng hỗ trợ ngành gỗ, thủy sản. Lưu ý Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); xử lý bất cập của thị trường trái phiếu; Bộ Giao thông Vận tải khởi công bằng được nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8….

Nhận định những khó khăn, thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi nhanh tăng trưởng, thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,...

Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn; đồng thời, chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất những tháng tiếp theo trong năm 2023, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tập trung theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ngành kế hoạch và đầu tư cần liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tài khóa và tiền tệ mà Quốc hội đã thông qua để các chính sách đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tối đa; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung.

Để tiếp tục tạo luồng gió mới cho doanh nghiệp, theo ý kiến nhiều chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để làm được điều này, các bộ, ngành chức năng cần chú trọng đơn giản hóa, tạo minh bạch về thủ tục hành chính, duy trì sự ổn định của chính sách; khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật; thực hiện hiệu quả các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những giải pháp được Chính phủ chú trọng; theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa; đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích sâu sắc kết quả giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Qua đó, kiến nghị cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

“Để đạt được mục tiêu tốt nhất có thể, chúng ta phải chắt chiu từng cơ hội. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chắt chiu từng đơn hàng, dù rất nhỏ, cố gắng duy trì, từng bước phục hồi”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bốc xếp hàng hóa tại cảng container quốc tế Cái Lân. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Về tạo động lực trong xuất khẩu và tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ tập trung mạnh hơn vào các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), để tăng xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các hiệp định.

Bên cạnh đó, ở trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước…

Ở một khía cạnh khác, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, đối với hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản chỉ đạo Cục Thuế trên toàn quốc và thành lập đoàn kiểm tra làm việc với các Cục Thuế để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế. Qua đó kết quả trong 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 9.990 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 71.825 tỷ đồng đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp quay vòng nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Tổng cục Thuế sẽ bám sát kế hoạch dự toán hoàn thuế được giao năm 2023 trên tinh thần nhanh chóng, khẩn trương nhưng phải xử lý triệt để rủi ro hoàn thuế, kiên quyết đấu tranh với gian lận hoàn thuế”, Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành khẳng định.

Tùng Hiền (TTXVN)
Thu ngân sách nhà nước 7 tháng giảm 7,8%
Thu ngân sách nhà nước 7 tháng giảm 7,8%

Ngày 9/8, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN