Triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Ngày 11/5, tại Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và ký kết thỏa thuận hợp tác “Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu, giai đoạn từ năm 2023 – 2028”.

Chú thích ảnh
Chăn nuôi lợn tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (ảnh minh họa).

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long báo cáo về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật và trình bày chuyên đề về xây dựng vùng, cơ sở trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi an toàn dịch bệnh trong xuất khẩu theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Theo Cục Thú y, giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm ở Việt Nam tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, trên cả nước có 32.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh, bao gồm 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, việc ký thỏa thuận hợp tác “Xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu, giai đoạn từ năm 2023 - 2028” giữa cơ quan chuyên môn là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn DE HEUS tại hội nghị này là nhằm chung tay xây dựng thành công chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và yêu cầu của nước nhập khẩu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đưa sản phẩm gia cầm của các tỉnh Đông Nam Bộ đến gần hơn với người tiêu dùng trên thế giới.

Tại tỉnh Tây Ninh, sau 2 năm thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển chăn nuôi, đến nay tỉnh có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi bò). Trong số đó có huyện (huyện Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện; 15 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã thuộc huyện Gò Dầu và Bến Cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng thành công trên 2.230 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh với hàng chục triệu gia súc, gia cầm được nuôi tại các vùng, cơ sở chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, mặc dù kết quả xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực nhưng nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới là rất lớn; việc xây dựng cơ sở, vùng an an toàn dịch bệnh vẫn còn nhiều hạn chế; chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, hướng đến mục tiêu vào năm 2025, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất 4 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới và đến năm 2030 là 10 huyện. Đồng thời, duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi cần duy trì và thường xuyên giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và thế giới, hướng đến đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh trình các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và mời các cơ quan thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu đánh giá, công nhận theo quy định của tổ chức Thú y thế giới.

Cục Thú y hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi và các địa phương xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu, tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh...

Tin, ảnh: Thanh Tân (TTXVN)
Gia Lai: Thận trọng trong việc kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô nhỏ
Gia Lai: Thận trọng trong việc kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô nhỏ

Gia Lai hiện có 46 dự án chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư; trong đó, có 16 dự án đã đi vào hoạt động với quy mô trên 43 nghìn con bò, gần 150 nghìn con lợn nái cung cấp khoảng hơn 3,5 triệu lợn giống/năm, 550 nghìn con lợn thịt; 13 dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng, 17 dự án chưa triển khai xây dựng (đang thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, môi trường...).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN