Ứng dụng công nghệ bảo trì của Nhật Bản nâng cao tuổi thọ đường bộ tại Việt Nam

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới hạ tầng giao thông, công tác bảo trì cầu, đường bộ trong phạm vi ngân sách hạn hẹp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc ứng dụng vật liệu xây dựng công nghệ mới có tính ứng dụng cao trong sửa chữa đường là vấn đề cần thiết.

Tại “Hội thảo Kỹ thuật về quản lý và bảo trì cầu, đường bộ” tại Hà Nội ngày 3/8 do Cục Đường bộ Việt Nam (CĐBVN - Bộ GTVT), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty TNHH Tokyo Belt đồng tổ chức, Phó cục trưởng CĐBVN Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề xuống cấp sớm của cầu, đường bộ do lưu lượng giao thông tăng nhanh, chịu tác động bởi điều kiện thời tiết nắng nóng nhiều, mưa lớn, trong khi ngân sách quản lý và bảo trì cầu, đường bộ hạn hẹp, nên một số loại vật liệu thi công giá thành thấp, khó đảm bảo chất lượng cầu đường.

Chú thích ảnh
Ứng dụng công nghệ bảo trì của Nhật Bản nâng cao tuổi thọ đường bộ tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

CĐBVN đang quản lý gần 25.000 km đường quốc lộ và hơn 7.700 cầu, nhưng hàng năm nguồn vốn cho bảo trì chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh đó, CĐBVN đang nghiên cứu, xem xét những loại vật liệu mới, phương pháp bảo trì tối ưu, giảm chi phí tính trên cả vòng đời cầu, đường bộ. 

Để giải quyết khó khăn về kinh phí, CĐBVN đang phải lựa chọn, ưu tiên sửa chữa những đoạn tuyến, những công trình cầu nằm trên tuyến huyết mạch, lưu lượng xe lớn như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh bị hư hỏng gây mất an toàn giao thông, để thực hiện sửa chữa trước, những đoạn tuyến khác lưu lượng xe thấp, còn khai thác được sẽ thực hiện sửa chữa sau. 

Trong khi đó, mục tiêu phát triển bền vững cụ thể của Việt Nam đến năm 2030 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, chất lượng, đáng tin cậy, có khả năng chống chịu và bền vững. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các hoạt động tập trung vào công tác quản lý và bảo trì, áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, hệ thống chứng nhận công nghệ mới thông qua thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng đang được xây dựng và vận hành như một phương pháp để đưa công nghệ tiên tiến vào các công trình công cộng. 

"Hội thảo Kỹ thuật về quản lý và bảo trì cầu, đường bộ” là hoạt động thuộc dự án “Khảo sát xây dựng mô hình kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững cho khối doanh nghiệp tư nhân để phổ biến các phương pháp sửa chữa mặt đường có độ bền cao, sử dụng hỗn hợp gia nhiệt đàn hồi chất lượng cao tại Việt Nam” được JICA và Công ty Tokyo Belt (Nhật Bản ) triển khai từ tháng 7/2022 - 11/2023.

Tại hội thảo, JICA và Công ty Tokyo Belt giới thiệu phương pháp thi công khe co giãn không mối nối và sửa chữa đường vẫn đảm bảo khả năng thoát nước bằng Falcon (vật liệu sửa chữa đường) của Nhật Bản. Công nghệ này có khả năng chống chịu được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Nhật Bản, tương đồng với Việt Nam. Khi áp dụng vào công tác bảo trì tại Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng mặt đường và khe co giãn cầu, đường bộ sau khi được sửa chữa sẽ ổn định trong thời gian dài, giảm chi phí bảo trì, xét trên cơ sở chi phí vòng đời; đồng thời, nâng cao tính an toàn cho phương tiện lưu thông. 

Vân Sơn/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Xóa 3 điểm đen tai nạn giao thông, lại phát sinh 3 điểm khác
TP Hồ Chí Minh: Xóa 3 điểm đen tai nạn giao thông, lại phát sinh 3 điểm khác

Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản thống nhất với các sở ngành, quận huyện liên quan công bố xóa ba điểm đen không tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông trong 12 tháng sau khi xác lập và xử lý. Tuy nhiên, trên địa bàn lại phát sinh thêm ba điểm đen tai nạn giao thông mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN