'Con đường sáng' của nữ vận động viên cờ vua khiếm thị

Lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia bộ môn cờ vua, Nguyễn Thị Hồng (Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đã đoạt hai huy chương Vàng, một huy chương Bạc cá nhân và ba huy chương Vàng đồng đội.

Video Nguyễn Thị Hồng chia sẻ về môn cờ vua:

Nỗ lực không biết mệt mỏi

Hành trình đến với cờ vua của cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Hồng không hề hễ dàng. Đó là một hành trình như Hồng chia sẻ: “Dường như là con đường duy nhất, đường sáng để em tìm thấy niềm đam mê, nhiệt huyết với cuộc đời”.  

Lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia bộ môn cờ vua thi đấu ở ASEAN Para Games lần thứ 11 năm 2022 tổ chức tại Indonesia, Nguyễn Thị Hồng Hồng đã đoạt 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc cá nhân, 3 huy chương Vàng đồng đội. Tại ASEAN Para Games lần thứ 12, năm 2023, Hồng giành được 1 huy chương Vàng cá nhân và 1 huy chương Vàng đồng đội, góp phần nâng thành tích của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng tổng sắp huy chương tại ASEAN Para Games 12.

Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1998, là con thứ hai trong một gia đình có 4 chị em ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đôi mắt của Hồng bị giảm thị lực do thoái hóa võng mạc sắc tố. Vì vậy con đường đến trường với Hồng muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa.  

Dù vậy, việc đến trường với học sinh bị khiếm thị ở vùng nông thôn là vô vàn khó khăn. Sau một thời gian học không hiệu quả và hiểu được điều này, năm Hồng lên 8 tuổi, gia đình đã đưa em đến Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – trường dành cho trẻ khuyết tật.  

“Để tôi được đến trường, bố đã phải kiếm việc làm ở thành phố và gia đình phải thuê trọ. Cũng vì những khó khăn như vậy, tôi càng thêm quyết tâm mong muốn học hỏi điều gì đó từ nhà trường, từ bạn bè”, Nguyễn Thị Hồng nói.

Cơ hội đến với Hồng khi mỗi tuần nhóm sinh viên tình nguyện ở Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh tới hướng dẫn các em nhỏ chơi cờ vua.  

Chú thích ảnh
Vận động viên Nguyễn Thị Hồng (thứ hai từ trái sang) trong chương trình Lễ tuyên dương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hồng nói: “Ban đầu để nhận biết được quân cờ tôi vừa phải dùng chút ánh sáng ít ỏi từ mắt và kết hợp với tay. Sau một thời gian chơi, tôi đã nhận được sự khích lệ từ phía các anh chị khi nói tôi có năng khiếu với môn thể thao này”.  

Biết là không hề dễ dàng nhưng Hồng hiểu, chỉ cần có sự nhìn nhận thì phần còn lại là nỗ lực của em. Sau khi qua được bước nhận biết quân cờ là những nước đi. “Nhiều đêm tôi không ngủ được vì vướng một nước cờ khó”, Hồng kể.

Sau nhiều lần kiên trì, Hồng đã thể hiện được những “nước cờ sáng” trước nhiều đối thủ.

Năm 2016, khi đang theo học văn hóa tại Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hồng chính thức đứng trong đội tuyển thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội. Từ đây, Hồng thường xuyên góp mặt ở các kỳ cuộc thể thao thường niên của người khuyết tật. Hồng thường mang về 2 đến 4 huy chương tại mỗi giải đấu.  

Lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia bộ môn cờ vua, Nguyễn Thị Hồng đã đoạt hai huy chương Vàng, một huy chương Bạc cá nhân và ba huy chương Vàng đồng đội.

Nguyễn Thị Hồng là một trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức; là một trong 420 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 7 năm 2023.   

Trở thành giáo viên cờ vua cho người khiếm thị

Gặp tôi bên lề lễ tuyên dương gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 7, cô gái có dáng người nhỏ nhắn vẫn chưa khỏi xúc động khi ước mơ thành hiện thực. Đó là, Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ thành lập câu lạc bộ cờ vua ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu mà do chính Hồng và thầy của mình giảng dạy.  

Video Hồng chia sẻ khi ước mơ trở thành hiện thực: 

Nguyễn Thị Hồng nói: “Cờ vua đã mang đến cho tôi niềm đam mê, nhiệt huyết và con đường sáng để sống tích cực. Tôi từng ước mơ sẽ mở một lớp học cờ vua cho các bạn nhỏ, đặc biệt là các em bị khiếm thị. Biết đâu trong đó, có những em nhỏ tìm thấy đam mê như tôi”.  

Nguyễn Thị Hồng khẳng định, không có con đường thành công nào đến dễ dàng được và đều phải trải qua sự khổ luyện. Những sự khích lệ, động viên từ những tình nguyện viên năm nào, rồi thành tích đến khi thi đấu đã giúp Hồng vượt qua những tự ti ở bản thân, có bản lĩnh để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê.  

Cơ hội với người thường cũng cần sự nỗ lực, với người khiếm thị lại càng khó khăn hơn. Hiểu được điều này Hồng càng chăm chỉ. Hồng thường dành 4 đến 5 giờ/ngày nghiên cứu từng nước cờ của các đại kiện tướng trong và ngoài nước với những nước đi khó.

Nói về Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Người mù Thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết cho biết: "Hiếm có người chăm chỉ, kiên trì và quyết tâm như Hồng. Em ấy đã truyền được cảm hứng cho nhiều bạn trẻ vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống". 

Lê Vân/Báo Tin tức
Nghị lực vươn lên của vận động viên khiếm thị tuổi Tuất - Nguyễn Ngọc Hiệp
Nghị lực vươn lên của vận động viên khiếm thị tuổi Tuất - Nguyễn Ngọc Hiệp

Bị kiếm thị từ nhỏ, cuộc sống có nhiều khó khăn thế nhưng bằng nghị lực của mình, Nguyễn Ngọc Hiệp, sinh năm Giáp Tuất 1994 đã vươn lên trở thành một vận động viên điền kinh đạt nhiều thành tích vang dội ở khu vực, quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN