Chân dung nhà lãnh đạo cực hữu giành chiến thắng chấn động tại bầu cử Quốc hội ở Hà Lan

Lãnh đạo cực hữu được mệnh danh là “Donald Trump của Hà Lan”, nổi tiếng với chính sách chống nhập cư, chống Liên minh châu Âu và bài Hồi giáo, đã giành chiến thắng gây chấn động trong cuộc bầu cử hôm 22/11 tại Hà Lan.

Chú thích ảnh
Những tuyên bố gay gắt chống Hồi giáo của Wilders đã khiến ông trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan và khiến ông phải được bảo vệ 24/7. Ảnh: Shutterstock

Lãnh đạo cực hữu được mệnh danh là “Donald Trump của Hà Lan” đã giành chiến thắng gây chấn động trong cuộc bầu cử hôm 22/11. Tuy nhiên, ông sẽ cần vài đối tác để có thể trở thành Thủ tướng.

Với mái tóc vàng và tài hùng biện mạnh mẽ, Geert Wilders từ lâu đã là một trong những nhà lập pháp nổi tiếng nhất của Hà Lan cả trong và ngoài nước. Với biệt danh “Donald Trump người Hà Lan”, ông nổi tiếng với chiến dịch vận động gay gắt chống nhập cư, Liên minh châu Âu và đặc biệt là Hồi giáo.

Giờ đây, ông đang ở vị trí quan trọng để trở thành thủ tướng tiếp theo của Hà Lan, sau khi giành chiến thắng chấn động trong cuộc tổng tuyển cử hôm 22/11. Tất cả những gì ông cần làm là thuyết phục các đối tác liên minh tiềm năng ở các đảng khác hợp tác với mình. Nhưng điều đó có thể khó đến mức nào?

Wilders bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là thành viên Quốc hội vào năm 1998, đầu tiên là cho đảng VVD trung hữu, nơi ông từng làm cố vấn cho Mark Rutte (sau này trở thành Thủ tướng), trước khi rời đảng và thành lập Đảng vì Tự do của riêng mình vào năm 2006. Sự nghiệp đó khiến ông trở thành nhà lập pháp phục vụ lâu năm nhất trong quốc hội Hà Lan.

Ông kết hôn với Krisztina Márfai, một cựu nhà ngoại giao Hungary, vào năm 1992. Cặp đôi không có con nhưng sở hữu hai con mèo là Snoetje và Pluisje. Chúng có tài khoản riêng trên mạng xã hội X với gần 23.000 người theo dõi.

Tại sao Wilders lại gây tranh cãi như vậy?

Với tư cách là một nhà lãnh đạo chính trị, Wilders nổi tiếng với ngôn ngữ hơi hướng kích động, ông từng mô tả Hồi giáo là một “hệ tư tưởng toàn trị” và gọi người Maroc là “cặn bã”.

Wilders nói rằng ác cảm của ông với Hồi giáo được thúc đẩy bởi vụ ám sát nhà làm phim chống Hồi giáo Theo van Gogh vào năm 2004, cũng như thời gian ông sống trong một khu định cư ở Israel. Chương trình bầu cử của ông kêu gọi cấm Kinh Qur'an, nhà thờ Hồi giáo và tất cả các trường học Hồi giáo, cũng như khăn trùm đầu Hồi giáo trong các tòa nhà chính phủ.

Vài năm trước, một tòa án thậm chí đã kết án ông Wilders vì tội xúc phạm một nhóm người dựa trên lý lịch của họ.

Ông cũng không ngại tấn công các chính trị gia khác bằng những lời lẽ dữ dằn, gọi Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm Sigrid Kaag là “phù thủy” và hạ nhục đối thủ Frans Timmermans trong một cuộc tranh luận.

Luận điệu chống Hồi giáo của Wilders đã khiến ông trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan và khiến ông phải sống dưới sự bảo vệ 24/7, liên tục chuyển từ ngôi nhà an toàn này sang ngôi nhà an toàn khác trong hai thập kỷ qua.

Trong một bữa tiệc vào đêm trước bầu cử tại một quán cà phê trên bờ biển Hà Lan, Wilders được các vệ sĩ vây quanh liên tục khi ra vào địa điểm mà trước đó đã được chó nghiệp vụ và các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm sàng lọc.

Thế giới nghĩ gì về chiến thắng của Geert Wilders

Sự kiện tổng tuyển cử ở Hà Lan là cuộc bầu cử mới nhất trong một loạt cuộc bầu cử đang làm thay đổi cục diện chính trị châu Âu, với việc các đảng cực hữu cũng đang nổi lên ở Italy, Đức và Pháp.

Chú thích ảnh
Ông Wilders đã được chúc mừng bởi bạn bè của ông trong giới chính trị là Marine Le Pen (bên trái) ở Pháp và Viktor Orbán (bên phải) ở Hungary, những người đã nói rằng “đôi cánh của sự thay đổi đang ở đây”. Ảnh: AFP/Getty Images

Ở Kiev, kết quả nói trên gây lo lắng. Giống như các nhà lãnh đạo cực hữu khác ở châu Âu, ông Wilders đã ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ trích những gì ông mô tả vào năm 2017 là “chứng sợ Nga cuồng loạn” ở châu Âu.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm ngoái, ông Wilders phần nào giữ khoảng cách với Điện Kremlin và gọi cuộc tấn công là một sai lầm.

Tuy nhiên, tại một trong những cuộc tranh luận cuối cùng trước cuộc bầu cử, Wilders cho biết ông sẽ không ủng hộ việc gửi thêm tiền và vũ khí cho Ukraine. Ông nói, những nguồn lực đó là cần thiết cho quân đội của Hà Lan. Ngược lại, chính phủ tạm quyền của đất nước này là người ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine và vừa phân bổ hơn 2 tỷ euro viện trợ cho Kiev vào năm tới.

Wilders cũng là người ủng hộ mạnh mẽ Israel và ủng hộ việc chuyển đại sứ quán Hà Lan tới Jerusalem trong khi đóng cửa cơ quan ngoại giao Hà Lan ở Ramallah, quê hương của Chính quyền Palestine (PA).

Sau cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10 của Hamas, ông nói rằng “Israel đang chiến đấu vì sự tồn tại của mình” chống lại “các thế lực thù hận, man rợ và khủng bố”.

Chú thích ảnh
Wilders đã giành được 25% số phiếu bầu, một con số lớn trong một hệ thống bầu cử có nhiều rạn nứt, nhưng không đủ để đạt được đa số trong Quốc hội. Ảnh: AFP/Getty Images

Liệu Wilders có trở thành Thủ tướng?

Ông Wilders đã giành được 25% số phiếu bầu, một con số lớn trong một hệ thống bầu cử có nhiều rạn nứt, nhưng không đủ để đạt được đa số trong Quốc hội. Điều đó có nghĩa là ông sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh với hai hoặc ba đảng khác để có thể nắm quyền.

Nhưng việc đó nói dễ hơn làm, vì các đảng chính thống ở Hà Lan không muốn hợp tác với phe cực hữu và đã khiến Wilders không thể tham gia chính phủ trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, quy mô của chiến thắng sẽ củng cố thế mạnh của ông trong các cuộc đàm phán.

Trong bài phát biểu chiến thắng hôm 22/11, Wilders kêu gọi các đảng khác tham gia một cách xây dựng vào các cuộc đàm phán liên minh, và thậm chí còn gợi ý rằng ông sẵn sàng thỏa hiệp về lập trường chống Hồi giáo của mình để thành lập chính phủ. Ông nói: “Tôi hiểu rất rõ rằng các đảng phái không muốn ở trong một chính phủ có đảng muốn các biện pháp vi hiến. Chúng tôi sẽ không nói về nhà thờ Hồi giáo, kinh Qur'an và các trường học Hồi giáo.”

Mặc dù Pieter Omtzigt, với một đảng trung dung giành được khoảng 20 ghế trong cuộc bầu cử, trước đó đã loại trừ việc hợp tác với Wilders, nhưng vào tối 22/11, lại nói rằng ông sẽ sẵn sàng đàm phán và từ chối loại bỏ bất kỳ đối tác tiềm năng nào.

Dilan Yeşilgöz, người thay thế Thủ tướng Mark Rutte làm lãnh đạo đảng VVD, cũng cho biết bà cởi mở với ý tưởng hợp tác với đảng PVV của Wilders. Tuy nhiên, trong tuần này bà Yeşilgöz lại loại trừ việc ủng hộ Wilders làm thủ tướng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Hà Lan tiến hành tổng tuyển cử
Hà Lan tiến hành tổng tuyển cử

Ngày 22/11, cử tri tại Hà Lan đã đến các điểm bỏ phiếu, tham gia cuộc tổng tuyển cử, bầu chọn các nghị sĩ cho Hạ viện gồm 150 ghế. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, với kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ít nhất 3 đảng tranh cử đều có cơ hội giành chiến thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN