Chân dung Nhà vua mới của Đan Mạch

Là Thái tử Đan Mạch từ năm 3 tuổi, ngày 14/1, ông Frederik X đã chính thức trở thành Nhà vua Đan Mạch sau lễ kế vị tại cung điện Christiansborg.

Theo đài truyền hình CNN, vào ngày đầu tiên của năm 2024, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đã tuyên bố thoái vị sau 52 năm trị vì, trở thành quốc vương đầu tiên sau gần 900 năm ở nước này tự nguyện từ bỏ ngai vàng. Tin tức về việc Nữ hoàng Margrethe II thoái vị đã gây sốc cho người dân Đan Mạch vào đầu năm. Con trai cả của Nữ Hoàng Margrethe II là Thái tử Frederik lên ngôi.

Chú thích ảnh
Nhà vua Đan Mạch Frederik X (trái) cùng Hoàng hậu Mary vẫy chào dân chúng, sau lễ kế vị tại Cung điện Christiansborg ở thủ đô Copenhagen ngày 14/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Thời niên thiếu

Chế độ quân chủ Đan Mạch đã tồn tại hơn 1.000 năm. Cho đến ngày nay, mặc dù hoàng gia nước này chỉ đóng vai trò hạn chế theo hiến pháp song người Đan Mạch vô cùng tự hào về hoàng gia và các vị vua cũng thường đóng vai trò đại sứ quan trọng.

“Thái tử cực kỳ được yêu mến. Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Đan Mạch rất ủng hộ ông”, Birgitte Borup, biên tập viên chuyên về văn hóa của tờ báo Đan Mạch Berlingske, nói với đài CNN.

Theo bà Borup, Nhà vua Frederik sẽ là một người cai trị khác với mẹ mình. “Ông ấy rất thực tế và thích thế thao, trong khi Nữ hoàng có nền văn hoá khác biệt hơn. Thử thách chính đối với Thái tử Frederik khi trở thành Nhà vua là ngôn ngữ. Ông không giỏi nói chuyện trước đám đông”, nữ biên tập viên miêu tả.

Chú thích ảnh
Thái tử Frederik bắt đầu học quân sự vào năm 1986 trong Trung đoàn Bảo vệ Nữ hoàng. Ảnh: AFP

Sinh năm 1968, Frederik André Henrik Christian là con đầu lòng của Nữ hoàng Margrethe và người chồng quá cố của bà, Hoàng thân Henrik. Tên của ông được chọn theo phong tục hoàng gia Đan Mạch. Thông thường người thừa kế sẽ được đặt tên là Frederik hoặc Christian. Anh chị em duy nhất của ông là Hoàng tử Joachim sinh năm 1969.

Hồi còn nhỏ, ông học tiểu học tại Krebs' Skole, một trường tư thục ưu tú ở Copenhagen, trước khi theo học trường nội trú ở Normandy (Pháp). Vì tính cách nhút nhát, Thái tử Frederik không thoải mái trước sự chú ý của giới truyền thông. Vào đầu những năm 1990, ông có biệt danh “hoàng tử tiệc tùng” và đam mê tốc độ.

Thời gian học tại Đại học Aarhus đã giúp khôi phục danh tiếng của Thái tử Frederik. Năm 1995, ông trở thành thành viên hoàng gia Đan Mạch đầu tiên có bằng thạc sĩ. Ông sang Mỹ nghiên cứu khoa học chính trị trong một năm tại Đại học Harvard.

Khi ở Mỹ, với khả năng thông thạo tiếng Pháp, Anh và Đức, Thái tử Frederik đã tham gia phái đoàn ngoại giao Đan Mạch tại Liên hợp quốc. Sau đó, năm 1998, ông được cử sang Paris làm thư ký thứ nhất của Đại sứ quán Đan Mạch trong một năm.

Năng khiếu vận động viên

Chú thích ảnh
Vận động viên Frederik vẫy tay sau khi về đích trong giải Royal Run hàng năm ở Copenhagen vào tháng 5/2023. Ảnh: AFP

Nhà vua Frederik đã trải qua khóa huấn luyện quân sự chuyên sâu ở cả ba đơn vị của quân đội Đan Mạch. Đáng chú ý nhất, ông Frederik đã hoàn thành khóa huấn luyện trong Quân đoàn Frogman tinh nhuệ của hải quân và được đặt biệt danh là “Pingo” (“Chim cánh cụt”).

Ngoài việc là một sĩ quan quân đội được tặng huân chương, ông còn thể hiện mình là một vận động viên thể thao nhiệt huyết và cực kỳ có năng lực. Trong những năm qua, ông đã tham gia nhiều cuộc thi marathon ở Copenhagen, Paris và New York. Năm 2013, ông đã trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên thi đấu trong cuộc thi khắc nghiệt 3 môn phối hợp Người sắt, kết thúc với thời gian 10 tiếng 45 phút 32 giây.

Nhà vua Frederik cũng là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế từ năm 2009 đến năm 2021. Năm 2000, ông đã tham gia chuyến thám hiểm bằng xe trượt tuyết kéo dài 4 tháng, dài 2.795 km, xuyên qua phía Bắc Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.

Nhà vua Frederik cũng nổi tiếng nhờ  sáng kiến Royal Run. Ra mắt vào năm 2018 để đánh dấu sinh nhật lần thứ 50, cuộc thi này đã trở thành một trong những sự kiện chạy bộ lớn nhất toàn quốc, với hơn 80.000 người tham gia mỗi năm.

Thành viên hoàng gia 55 tuổi này cũng trở thành một nhà bảo vệ môi trường tích cực. Kể từ khi Copenhagen đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu COP15 vào năm 2009, ông đã tích cực nhấn mạnh những nguy cơ của biến đổi khí hậu và thúc đẩy vai trò của Đan Mạch trong một tương lai xanh hơn.

Các chuyên gia về hoàng gia Đan Mạch nhận xét mặc dù Nhà vua Frederik được công chúng yêu mến nhưng ông sẽ phải đối mặt với những thách thức khi đăng quang.

Nhà sử học Lars Hovbakke Sørensen cho biết: “Trong tương lai, Thái tử Frederik cần thu hút nhiều người Đan Mạch hơn, không chỉ là những người quan tâm đến thể thao, bằng cách thể hiện quan tâm đến các vấn đề khác nếu ông muốn duy trì sự ủng hộ chế độ quân chủ”.

Chia sẻ quan điểm trên, nhà văn từng viết tiểu sử về hoàng gia Đan Mạch Trine Villemann nói: “Trước hết, Nhà vua Frederik sẽ phải chứng minh ông có thể làm được nhiều điều hơn ngoài thể thao. Mặc dù ông đã công khai bày tỏ trong vài năm trở lại đây rằng hiện tại ông ấy cảm thấy thoải mái với vai trò tương lai, nhưng trong sâu thẳm, nhiều người Đan Mạch vẫn hoài nghi và ông ấy cần phải vượt qua điều đó”.

Bạn đời bản lĩnh

Chú thích ảnh
Đám cưới Thái tử Frederik năm 2004. Ảnh: AFP

Thái tử Frederik đã chấm dứt những ngày tháng độc thân khi gặp giám đốc kinh doanh người Australia Mary Elizabeth Donaldson. Cặp đôi gặp nhau tại một quán rượu ở Sydney vào năm 2000, khi Thái tử đang ở Australia tham dự Thế vận hội Mùa hè 2000. Mary Elizabeth cho biết bà ngay lập tức bị thái tử Đan Mạch thu hút.

Bốn năm sau, cặp đôi kết hôn trong một buổi lễ xa hoa tại Nhà thờ Copenhagen trước gia đình hoàng tộc, các vị khách danh dự và được hàng triệu người trên thế giới theo dõi.

Hiện vợ chồng Nhà vua có 4 người con: Christian (18 tuổi) trở thành thái tử mới của Đan Mạch sau khi bố lên ngôi, Isabella (16 tuổi) và cặp song sinh 13 tuổi Vincent và Josephine. Các con họ đều học tại các trường công lập chính quy.

Tại lễ kỷ niệm Ruby 2012 đánh dấu 40 năm trị vì Đan Mạch, Nữ hoàng Margrethe bày tỏ sự tự hào về con dâu: “Tôi cảm thấy rất tin tưởng vào Mary. Chúng tôi thực sự có một mối quan hệ rất tốt, một mối quan hệ nồng ấm”.

Về phần công chúng, người dân Đan Mạch đón nhận Hoàng hậu Mary, ca ngợi bà có phong thái đĩnh đạc và cam kết với các mục tiêu xã hội.

Ông Villemann miêu tả quá trình chuyển đổi của bà Mary từ thường dân sang một thành viên gia đình hoàng tộc được yêu mến là “đáng chú ý và ấn tượng”.

Theo nữ biên tập viên Borup, Hoàng hậu Mary sẽ là “tài sản lớn nhất của chế độ quân chủ” trong những năm tới.

“Bà ấy không sinh ra trong hoàng tộc nhưng bà ấy mang trong mình vẻ duyên dáng và là một đại diện tuyệt vời cho đất nước Đan Mạch. Bà là người luôn chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm nhận một số nhiệm vụ khá quan trọng, chẳng hạn như làm sáng tỏ các vấn đề bạo lực gia đình”, bà Borup lý giải.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Đan Mạch: Vua Frederik X chính thức kế vị ngai vàng
Đan Mạch: Vua Frederik X chính thức kế vị ngai vàng

Ngày 14/1, người dân Đan Mạch đã chính thức chào đón vị vua mới Frederik X sau khi Nữ Hoàng Margrethe II ký tuyên bố thoái vị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN