Cuộc đời bi kịch của Uyển Dung - Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc

Mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không tình yêu, sức khỏe tâm thần không ổn định cùng chứng nghiện thuốc phiện, cuộc đời của hoàng hậu Uyển Dung là những tháng ngày dài không lối thoát. Bà qua đời ở tuổi 39 trong khi bị giam giữ.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp hoàng hậu Uyển Dung. Ảnh: Wikimedia Commons

Cuộc đời và cái chết của hoàng hậu Uyển Dung, người vợ chính thức của Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa thực sự là một bi kịch và thống khổ. Nhập cung vào những ngày chế độ phong kiến Trung Hoa hấp hối, Uyển Dung là nạn nhân của chính trị đương thời. Nàng cũng mang trong mình nỗi đau về cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Khi xung đột nổ ra cả trong và ngoài Trung Quốc, Uyển Dung bị du kích Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giữ. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, cô đã quằn quại trên sàn nhà trong cơn đau đớn vì cai thuốc phiện, bị trưng bày như một con vật trong vườn thú. Cuối cùng, cô chết một mình trong vũng nước tiểu của chính mình ở tuổi 39.

Cho đến ngày nay, Hoàng hậu Uyển Dung vẫn là một trong những nhân vật bi thảm nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Từ đại tiểu thư đến mẫu nghi thiên hạ

Uyển Dung sinh ngày 13/11/1906, là người Chính Bạch Kỳ tại Mãn Châu, xuất thân từ gia tộc quyền quý Quách Bố La thị. Phụ thân của bà là đại quan Nội vụ phủ Vinh Nguyên. Mẫu thân qua đời khi Uyển Dung mới lên hai tuổi. Sau này, bà được mẹ kế là Hằng Hương nuôi dưỡng.

Chú thích ảnh
Uyển Dung đam mê nghệ thuật và trang phục phương Tây. Ảnh: Wikimedia Commons

Nhưng vào năm 1911, cuộc cách mạng đã nổ ra khắp Trung Quốc. Nhà Thanh bị lật đổ, dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Trung Hoa vào năm 1912.

Vào thời điểm ấy, mặc dù vương quyền hoàng tộc đã bị phủ nhận suốt 11 năm, nhưng nhờ những điều kiện phúc lợi cho Hoàng thất, Phổ Nghi vẫn được duy trì tôn xưng Hoàng đế, tiếp tục được ở lại Tử Cấm Thành.

Chú thích ảnh
Hoàng đế Phổ Nghi vào những năm 1930 hoặc 1940. Ảnh: Public Domain

Vị hoàng đế này vẫn có đặc quyền được tổ chức đám cưới ở Tử Cấm Thành. Qua các bức ảnh thiếu nữ, Phổ Nghi được hướng dẫn chọn vợ. Bất đắc dĩ, vì không thể cưới được mối tình đầu nên ông đã chọn Uyển Dung là hoàng hậu, Văn Tú là Thục phi. Khi đó, Uyển Dung mới 16 tuổi.

"Uyển Dung đã nổi loạn. Cô chán ngấy những bài học, không hài lòng khi kết hôn với một người mà cô ấy chưa từng gặp trước đây", em trai Uyển Dung sau này kể lại với tờ New York Times.

Bất chấp sự miễn cưỡng của cô, Phổ Nghi và Uyển Dung đã kết hôn vào ngày 1/12/1922. Theo China Daily, cặp đôi được chở qua Bắc Kinh trên một chiếc ghế kiệu phượng hoàng trang trí công phu, dưới sự chứng kiến ​​của hàng nghìn người. Buổi lễ chứng kiến ​​Uyển Dung bước qua ngọn lửa, yên ngựa và một quả táo theo truyền thống của người Mãn Châu.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ cưới của Phổ Nghi và Uyển Dung, Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy nhiên, mọi thứ gần như đã sai ngay từ đầu. Đôi vợ chồng mới cưới đáng lẽ phải qua đêm động phòng cùng nhau. Nhưng Phổ Nghi đã bỏ trốn khỏi phòng tân hôn ngay trong đêm.

Dù cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc nhưng hoàng hậu Uyển Dung lại tìm thấy niềm vui của bản thân trong việc học tiếng Anh, chơi đàn organ, nghe nhạc Jazz hay thưởng thức ẩm thực phương Tây, chụp ảnh... Bà cũng thường đạp xe quanh Tử Cấm Thành.

Hoàng hậu Uyển Dung đón nhận sự hiện đại, ẩm thực Anh và nhạc jazz, thậm chí còn lấy tên phương Tây là Elizabeth theo tên nữ hoàng Anh. Uyển Dung cũng nổi tiếng vì sự hào phóng của mình, đặc biệt là đã quyên góp 600 Nhân dân tệ để giúp đỡ các nạn nhân thảm họa vào năm 1923.

Tuy nhiên, cuộc sống hậu cung của vị hoàng hậu này không kém phần bất hạnh. Cô ghen tị với Thục phi Văn Tú và bắt đầu sử dụng thuốc phiện như một phương pháp trị liệu chứng đau bụng và đau đầu ngày càng gia tăng. Chẳng bao lâu sau, sức khỏe và cơ thể của Uyển Dung bị những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, chỉ hai năm sau ngày cưới, Uyển Dung cùng chồng chính thức bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành. Cặp đôi cùng Thục phi Văn Tú đến sống tại thành phố Thiên Tân, dưới sự bảo hộ của quân Nhật. Tại đây, sự phụ thuộc vào á phiện của Uyển Dung ngày càng tăng.

Chú thích ảnh
Hoàng đế Phổ Nghi và hoàng hậu Uyển Dung vào năm 1932. Ảnh: Public Domain

Để cạnh tranh với Thục phi Văn Tú, Uyển Dung đắm mình trong những cuộc vui. Cô thích đi xem kịch, khiêu vũ và mua sắm. Trong khi đó, sức khỏe thần kinh của Uyển Dung đã suy ngược. Bà thường xuyên đau đầu, mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác, dẫn đến việc chán nản kéo dài.

Hoàng đế Phổ Nghi chưa từng yêu bà. Do đó, bà phải chịu đựng sự cô đơn, buồn chán do bị bỏ rơi. Văn Tú cũng không hài lòng với sự áp đặt trong tình cảnh lúc bấy giờ nên đã rời bỏ Phổ Nghi vào năm 1931. 

Phổ Nghi đã hoàn toàn đổ lỗi chuyện này cho Uyển Dung. Ông viết trong cuốn hồi ký rằng chính Uyển Dung đã đuổi Văn Tú đi. Chính vì thế, Phổ Nghi gần như không nói chuyện với Uyển Dung kể từ đó.

Khi mối quan hệ của họ trở nên tồi tệ, vận mệnh chính trị cũng thay đổi phức tạp. Năm 1932, Nhật Bản đưa Phổ Nghi lên làm hoàng đế bù nhìn ở Mãn Châu. Phổ Nghi bị giám sát liên tục và đã cố gắng trốn thoát nhiều lần nhưng không thành công.

Trong khoảng thời gian này, Uyển Dung vẫn không hài lòng với cuộc sống mới. Bà hiếm khi xuất hiện trước công chúng và bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tâm thần ngày càng nghiêm trọng hơn. Đến năm 1938, bà hút đến 2 ounce (khoảng 57g) thuốc phiện mỗi ngày.

Những năm tháng cuối đời đầy bi kịch

Sau khi sinh con gái đầu lòng, sức khỏe của Uyển Dung ngày càng tệ hơn. Bà được cho là hút hai bao thuốc lá mỗi ngày, hiếm khi ra khỏi giường, ngừng chải chuốt, ngày càng gầy gò và không tham dự các sinh nhật hay lễ đón năm mới.

Chú thích ảnh
Uyển Dung nghiện thuốc lá và thuốc phiện rất nặng. Ảnh: Wikimedia Commons

Uyển Dung hầu như không thể đi lại hoặc thậm chí không ai thấy bà vào thời điểm Liên Xô xâm lược Mãn Châu năm 1945. Phổ Nghi chạy trốn khỏi Mãn Châu, bỏ lại vợ mình. Bà cùng chị dâu bị những chiến sĩ cộng sản Trung Quốc bắt vào tháng 1/1946 khi đang tìm cách trốn sang Hàn Quốc. Bị giam ở Cát Lâm, Uyển Dung đã trải qua những ngày cuối đời trong đau đớn và mê sảng.

Vào tháng 6/1946, Uyển Dung qua đời ở tuổi 39 vì suy dinh dưỡng và cai thuốc phiện. Bà chết trên sàn nhà tù lạnh lẽo trong chính vũng nước tiểu của mình.

Trong khi Phổ Nghi phải ngồi tù vài năm và trở thành người làm vườn kiêm hướng dẫn viên du lịch Tử Cấm Thành sau khi được thả, hài cốt của Hoàng hậu Uyển Dung không bao giờ được tìm thấy. Năm 2006, em trai của bà đã tổ chức một lễ chôn cất mang tính biểu tượng cho bà.

Đến tận ngày nay, Uyển Dung vẫn được xem là vị hoàng hậu đáng thương nhất trong lịch sử Trung Hoa. Bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không tình yêu và hoàn cảnh lịch sử khốc liệt, hoàng hậu đã sống một cuộc đời cô đơn và ra đi trong đau đớn.

Ngọc Hưng/ Báo Tin tức (Theo All Thats Interesting)
Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài - Kỳ cuối
Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài - Kỳ cuối

Dưới con mắt người dân lao động Pháp, cung đình dưới triều Vua Louis XVI và Hoàng hậu Antoinette là nơi tạo ra tội ác, là nguồn gốc của sự hủ hóa, là sào huyệt của bạo chúa. Bởi vậy họ đã coi nhà vua và hoàng hậu là kẻ thù không đội trời chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN