Cuộc sống 12 năm vô trùng của ‘cậu bé bong bóng’ David Vetter

20 giây đầu tiên khi vừa được sinh ra, cậu bé David Vetter giống như bao nhiêu đứa trẻ khác. Cậu khóc vang trong sự chờ đợi, mong mỏi của cha mẹ. Tuy nhiên sau đó, David phải sống một cuộc đời khác biệt, khi toàn bộ sinh hoạt của cậu diễn ra trong một không gian vô trùng hoàn toàn.

Chú thích ảnh
David Vetter sống trong môi trường hoàn toàn vô trùng. Ảnh: Bệnh viện Nhi Texas

David mắc hội chứng suy giảm miễn dịch tổ hợp SCID bẩm sinh. Hội chứng này khiến cơ thể David không thể tạo ra các tế bào T hoặc tế bào NK, còn các tế bào B của cậu bé không hoạt động. Do đó, cậu bé bị suy giảm miễn dịch và không thể chống chọi với những bệnh nhiễm trùng nhẹ nhất, thậm chí một cơn cảm lạnh thông thường cũng có thể khiến cậu mất mạng.

Cha mẹ của David đều biết rất rõ về sự nguy hiểm của hội chứng SCID. Trước đó, họ đã mất một bé trai 7 tháng tuổi vì mang cùng một căn bệnh giống David. Sau cái chết của con trai đầu lòng, các bác sĩ đã cảnh báo gia đình Vetter rằng nếu họ tiếp tục mang thai một bé trai thì 50% nguy cơ cậu bé này sẽ mắc SCID. Khi phát hiện đứa con tiếp theo là một bé trai, cặp vợ chồng đã từ chối lựa chọn đình chỉ thai kỳ và thay vào đó, họ làm mọi thứ có thể để đảm bảo đứa con được sinh ra không tiếp xúc với bất kỳ mầm bệnh nào. Họ đặt niềm tin vào ý tưởng của một giáo sư sinh học thực nghiệm tên là Raphael Wilson. Ông gợi ý rằng nếu một đứa trẻ bị SCID có thể sống trong môi trường vô trùng đủ thời gian để tìm được người hiến tủy xương phù hợp, căn bệnh có thể được chữa khỏi.

Lo lắng ngày chào đời

Công việc chuẩn bị cho sự ra đời của David được yêu cầu cao tương tự như một sứ mệnh lên Mặt trăng. Ba phòng sinh thông nhau đã được đóng cửa trong ba ngày liên tiếp để tiệt trùng. Vào buổi chiều trước khi lấy David ra, bệnh viện nhi Texas (Houston, Mỹ) đã dựng biển báo xung quanh để ngăn người qua lại các hành lang bao quanh khu vực sinh David nhằm giảm thiểu số lượng vi trùng, vi khuẩn tồn tại. Các y bác sĩ được lựa chọn cẩn thận để thực hiện ca mổ lấy thai. Nhóm bác sĩ này phải phối hợp một cách nhịp nhàng, trơn tru trong không gian hoàn toàn tĩnh lặng và không mấy di chuyển. Việc này có thể làm giảm chuyển động trong không khí trong phòng để vi khuẩn không tiếp xúc với cơ thể của David.

Bên cạnh y bác sĩ, người mẹ Carol Vetter cũng phải được tiệt trùng. Cô buộc phải ngủ trên khăn trải giường vô trùng, ăn thức ăn vô trùng và tắm bằng xà phòng diệt khuẩn. Không giống như những thai phụ khác được bạn bè và gia đình chăm sóc, Carol phải ở riêng và chỉ được phép nói chuyện với người thân qua điện thoại.

Vào buổi sáng ngày David chào đời, Carol được bọc trong những tấm vải vô trùng và bụng cô được kỳ sạch trong 10 phút để loại bỏ vi khuẩn.

Ca phẫu thuật diễn ra trong 15 phút im lặng. David được đưa ra khỏi bụng và bước chân vào thế giới thực.

Trẻ sơ sinh thường nhanh chóng được trao cho người mẹ để bắt đầu quá trình tiếp xúc da kề da, nhưng David lại được cho ngay vào một phòng chờ bong bóng. Căn phòng này được tiệt trùng như phòng mổ, tã và nước thánh cũng được vô trùng.

Bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu cho David. Không nằm ngoài dự đoán, David vẫn mắc hội chứng SCID và buộc phải lớn lên trong căn phòng “bong bóng” bằng nhựa.

Chú thích ảnh
Lần đầu tiên bà Carol được ôm con trai sau 6 năm. Ảnh: Bệnh viện Nhi Texas

Cuộc đời đặc biệt

Không ai đoán trước được mức độ đặc biệt khi phải sống trong không gian hoàn toàn vô trùng. Nếu như không có người hiến tủy phù hợp, David sẽ phải sống như vậy suốt đời và kéo theo rất nhiều vấn đề khó giải quyết.

Do không có hệ thống miễn dịch, David phải tránh xa kem, bánh ngọt và Coca-Cola. Cho đến khi 5 tuổi, cậu mới được ăn chiếc bánh sinh nhật đầu tiên do mẹ làm và đã được khử trùng an toàn. Hay như Coca-Cola, ước mong trong đời của David là được thưởng thức thứ đồ uống đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học phải đun nóng Coca-Cola trước khi cho David uống. Việc này đã làm mùi vị của Coca không còn. Cho đến cuối đời, David vẫn chưa được thưởng thức.

Khi lên 6, nhờ có kỹ thuật của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), David bước những bước đầu tiên ra khỏi phòng cách ly. NASA đã thiết kế một bộ đồ phi hành gia đặc biệt cho David để cậu bé có thể đi lại và vui chơi bên ngoài.

Để di chuyển từ phòng cách ly đến bộ đồ phi hành gia, David phải bò qua một đường hầm cách nhiệt.

Mỗi khi David sử dụng bộ đồ, cậu bé phải trải qua quy trình 28 bước mặc bộ đồ để giữ cho môi trường hoàn toàn vô trùng.

Mặc dù quá trình mặc bộ đồ phi hành gia rất phức tạp, nhưng đối với David và mẹ cậu thì điều đó xứng đáng. Sau 6 năm, mẹ Carol mới được lần đầu tiên ôm con trai vào lòng.

SCID chỉ được trị khỏi bằng cách cấy ghép tủy xương phù hợp. Năm 1983, Katherine, em gái của David, hiến tủy. Tuy nhiên, 4 tháng sau khi được em gái truyền tủy xương, David qua đời ở tuổi 12 vì ung thư hạch - căn bệnh ung thư sau đó được xác định là do virus Epstein-Barr xâm nhập vào cơ thể. Ngay sau khi David qua đời, Phòng khám Dị ứng và Miễn dịch Trẻ em Texas đã mở Trung tâm David - chuyên nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị các bệnh suy giảm miễn dịch.

Giờ đây, những đứa trẻ bị SCID có cuộc sống bình thường nhờ liệu pháp được thực hiện một phần từ các tế bào máu của David. Một báo cáo gần đây cho thấy 14 trong số 16 trẻ em được điều trị bằng liệu pháp thử nghiệm này cách đây 9 năm hiện vẫn sống một cuộc đời bình thường.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Allthatsinteresting)
'Nợ miễn dịch' là nguyên nhân khiến trẻ ốm triền miên sau dịch COVID-19
'Nợ miễn dịch' là nguyên nhân khiến trẻ ốm triền miên sau dịch COVID-19

Sau dịch COVID-19, ở trẻ có tình trạng “nợ miễn dịch” có thể làm trẻ dễ ốm, tăng mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus, vi khuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN