Gặp nhà nghiên cứu nước ngoài say mê lịch sử Điện Biên Phủ

Ông Peter Hunt “phải lòng” một cuốn sách về Điện Biên Phủ từ năm 14 tuổi và vài chục năm sau đã quyết định làm một luận án tiến sĩ quy mô về Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân đội và nhân dân Việt Nam.

Tôi gặp ông Peter Hunt tại Hà Nội vào một ngày cuối tháng 4, khi ông sang Việt Nam trước lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019). Trong câu chuyện quanh luận án tiến sĩ về Điện Biên Phủ, “sức nóng” toát ra từ niềm đam mê những câu chuyện lịch sử của ông cũng không kém cái nóng oi ả của tiết trời Hà Nội những ngày đầu Hè.

Niềm đam mê từ năm 14 tuổi

Ông Peter Hunt sinh ra ở Cardiff (Anh) năm 1956 và lớn lên tại đây. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tới Hong Kong (Trung Quốc), gia nhập lực lượng cảnh sát Hong Kong và phục vụ 33 năm. Ông đã nghỉ hưu và hiện vẫn sinh sống ở Hong Kong.

Chú thích ảnh
Ông Peter Hunt say sưa kể về niềm đam mê lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Ông kể rằng khi còn nhỏ, gia đình ông không giàu có, không đủ tiền để mua nhiều sách vở. Với cậu bé đam mê đọc sách thời đó, thật may mắn khi có một thư viện công cộng miễn phí tuyệt vời. Thời ông còn là cậu thiếu niên những năm 1960, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là chủ đề nóng trên báo chí thế giới nói chung và ở Anh nói riêng. Cái tên Việt Nam đã thu hút sự chú ý của ông từ khi đó dù không biết nhiều về đất nước này ngoài thông tin chiến sự.

Ông Peter Hunt có bằng Cử nhân về Chính trị và Lịch sử Quốc tế tại Đại học Leeds (Anh), bằng Thạc sĩ khoa học xã hội về Tội phạm học của Đại học Hong Kong (Trung Quốc), bằng Thạc sĩ về Thế giới hiện đại của trường King’s College London. 

Luận án tiến sĩ ông đang thực hiện tại King’s College London mang tên “To Fight and Win: The Combat Experience of the PAVN at the Battle of Dien Bien Phu” (tạm dịch: Chiến đấu và chiến thắng: Kinh nghiệm chiến trận của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại trận chiến Điện Biên Phủ”). Bản thảo đầu tiên sẽ xong vào tháng 6, bản thảo thứ hai sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Một lần, ông Peter tới thư viện đọc sách và tình cờ tìm được hai cuốn sách của tác giả Bernard Fall: cuốn “Street without Joy” (Đường phố thiếu niềm vui) nói về cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và cuốn “Hell in a Very Small Place” (Địa ngục ở nơi rất nhỏ bé) về Điện Biên Phủ.

Ông Peter nói: “Tôi vốn rất quan tâm tới mọi chủ đề lịch sử, đặc biệt là lịch sử quân sự, nhưng phần lớn sách lịch sử đều không hay và khó đọc. Cách viết của tác giả Fall lại thực sự khiến lịch sử sống động, và dù nguồn thông tin của ông xuất hiện một số lỗi sau này, nhưng những trang viết của ông vẫn tạo cảm hứng”.

Khi được hỏi tại sao ông quyết định nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nói: “Tôi thích nói với mọi người rằng tôi đã nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho luận án tiến sĩ suốt 45 năm qua. Sau hai cuốn sách của Fall, tôi đã đọc mọi thứ bằng tiếng Anh mà tôi có thể để về cuộc kháng chiến chống Pháp và sau đó chuyển sang đọc nguồn tiếng Pháp”. 

Chú thích ảnh
Ông Peter Hunt trả lời phỏng vấn báo Tin tức. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Ông cho biết những nguồn tiếng Pháp mà ông đọc lại chỉ tập trung vào quan điểm của Pháp và Mỹ. Có rất ít nguồn Việt Nam ở phương Tây. Sau này, ngày càng nhiều thông tin hơn từ nguồn Việt Nam và ông nhận ra giờ đã có khả năng tìm hiểu lịch sử và kể câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới góc nhìn khách quan hơn, đồng thời lấp khoảng trống về chiến dịch trong nghiên cứu lịch sử ở phương Tây.

Vậy là ông Peter đã biến niềm đam mê lịch sử của một người không chuyên thành một công trình nghiên cứu học thuật nghiêm túc khi ông bắt đầu quá trình lấy bằng thạc sĩ tại trường King’s College London năm 2009. 

Năm đó, ông Peter vẫn làm cảnh sát ở Hong Kong và chương trình thạc sĩ được ông thực hiện bằng cách học từ xa. Chủ đề luận án thạc sĩ của ông là phân tích về quyết định khó khăn nhất của Tướng Võ Nguyên Giáp khi ông hủy bỏ cuộc tấn công Điện Biên Phủ vào tháng 1/1954, chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ông Peter nhấn mạnh đây chính là chi tiết ấn tượng mạnh với ông. Chi tiết này bị bỏ qua hoặc không được coi trọng trong nguồn sách sử phương Tây. Còn với ông, ông coi đó là quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông tự hào khi luận án được đánh giá là xuất sắc và như một lẽ tự nhiên, ông quyết định tiếp tục với luận án tiến sĩ nghiên cứu cả chiến dịch.

Nhà nghiên cứu nước ngoài xây dựng góc nhìn Điện Biên Phủ từ Việt Nam

Chú thích ảnh
Ông Peter Hunt chụp ảnh cùng các học giả Việt Nam và nước ngoài tại một hội thảo quốc tế năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Hà

Luận án tiến sĩ của ông Peter nghiên cứu toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ từ năm 1953 tới tháng 7/1954. Trong khi tất cả nguồn phương Tây đều tập trung vào phía Pháp mà bỏ qua Việt Nam thì ông Peter lại làm ngược lại. 

Ông giải thích: “Tôi đã đảo ngược điều này, tập trung vào việc tại sao người Việt Nam tiến hành chiến dịch và tiến hành ra sao. Ví dụ, tôi tập trung vào nỗ lực hậu cần của Việt Nam mà theo tôi là nhân tố quyết định… Tôi cũng tập trung vào diễn biến trận chiến theo lời kể từ phía Việt Nam. Phần lớn lời kể từ phương Tây chỉ mô tả Việt Nam - đối thủ của Pháp - một cách chung chung và thực hiện chiến thuật biển người thô bạo, không có sự tinh tế. Tôi đã có cách tiếp cận trái ngược. Tôi cố gắng xác định cách triển khai của Quân đội Nhân dân Việt Nam và các chiến thuật họ sử dụng. Tôi đã mô tả gương mặt của những người lính”.

Chú thích ảnh
Ông Peter chuẩn bị trình bày bài tham luận trong hội thảo kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội ngày 2/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi được hỏi ông thích vấn đề nào nhất khi nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cho biết rất khó để nói thích cái này hơn cái kia vì cả tiến trình chiến dịch đều quan trọng. Ông nói: “Tôi đặc biệt tự hào về những điểm mà tôi có thể sửa sai trong các phiên bản về trận chiến được phương Tây chấp nhận. Vấn đề với lịch sử là các sử gia thường xuyên trích dẫn lại thông tin của nhau nên sai lầm được truyền qua thế hệ này tới thế hệ khác cho tới khi chúng trở thành thông tin được chấp nhận”.

Cụ thể những điều mà ông Peter cho là sai lầm trong nguồn phương Tây là: quy mô và hiệu quả của y tế trong chiến dịch, các chiến thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam; thương vong của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nhấn mạnh với tôi rằng con số thương vong của phía Việt Nam do Pháp ước tính năm 1984 đều rất không đáng tin, nhưng nó đã được phần lớn sử gia phương Tây sử dụng cho tới tận ngày nay mà không ai đặt ra nghi vấn nào.

Chú thích ảnh
Ông Peter Hunt trong một lần đi phỏng vấn một người từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 2017. Ảnh: Hải Hà

Qua quá trình nghiên cứu, ông Peter nhận định tất cả những gì diễn ra trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đều mới mẻ với người Việt Nam nhưng họ đã biết cách thực hiện hoặc phát triển ý tưởng, giải pháp trước đây để phù hợp với tình hình mới. Theo ông Peter, đây là điểm rất quan trọng vì phần lớn nguồn phương Tây kết luận rằng Pháp thua trận vì họ đánh giá thấp Việt Nam. Ông giải thích: “Thoạt nhìn, điều này có vẻ đúng, nhưng chỉ trích Pháp vì không nhận ra người Việt Nam có thể làm gì là không ổn. Ngay từ đầu, Việt Nam cũng chưa biết sẽ làm thế nào để thực hiện chiến dịch nhưng họ đã biết cách làm những điều cần thiết để giành chiến thắng”.

Còn có một điều nữa mà ông tự hào. Đó là ông có thể kể về chiến dịch dưới con mắt của những người Việt Nam trực tiếp tham gia, ông có thể thể hiện rằng họ chỉ là những con người bình thường cố gắng làm tốt nhiệm vụ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Trên 20 lần tới Việt Nam

Chú thích ảnh
Ông Peter tại đồi A1, Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Peter đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc trong suốt 7 năm qua cho luận án tiến sĩ. Ông nghiên cứu tài liệu, ông phỏng vấn người tham gia chiến dịch, ông thăm Điện Biên Phủ, ông nghiên cứu suốt một tháng trời năm 2017 trong kho lưu trữ ở Việt Nam và tìm được nhiều tài liệu giúp hiểu hơn nhiều về Điện Biên Phủ.

Tính tổng cộng ông đã tới Việt Nam trên 20 lần, trong đó có 5 lần thăm Điện Biên Phủ. Ông cũng từng tới Đường số 4 giữa Cao Bằng và Lạng Sơn để nghiên cứu chiến dịch Biên giới năm 1950, tới Kon Tum và Pleiku để nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đa số chuyến đi tới Việt Nam đều dành cho việc thu thập tài liệu, phỏng vấn những người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chú thích ảnh
Ông Peter chụp ảnh trước lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về lý do ông tới thăm Điện Biên Phủ nhiều như vậy, ông nói: “Khó mà hiểu trận chiến đúng đắn nếu không hiểu về địa hình và khí hậu nơi đó. Bạn chỉ có thể hiểu điều đó bằng cách tới đây, xem xét thực địa dưới con mắt của người lính Việt Nam và binh sĩ Pháp. Bản đồ không có ích mấy. Ảnh chụp cũng không thể hiện rõ địa hình”.

Nhâm nhi ngụm cà phê, ông “khoe” với tôi rằng đã gặp phỏng vấn 27 người với sự giúp đỡ về chuyên môn, ngôn ngữ của Tiến sĩ Hoàng Hải Hà, giảng viên khoa sử thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội. Những người ông gặp thuộc mọi cấp bậc, từ những dân công, thanh niên xung phong, những người lính bình thường cho tới các chính ủy trung đoàn hay cán bộ Bộ tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với mỗi người mà ông tới tận nhà riêng để phỏng vấn, ông đều rất vui vì học được một điều mới trong vài ba tiếng nói chuyện với họ cho dù ông nghiên cứu về Điện Biên Phủ suốt 45 năm qua. Ông tâm sự: “Với một sử gia, điều đó thực sự rất vui”.

Chú thích ảnh
Ông Peter tại hầm chỉ huy của De Castries. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi nói chuyện với tôi, ông Peter kể lại một số chi tiết nhỏ mà ông ấn tượng trong những cuộc phỏng vấn. Ví dụ như chuyện một người lái xe trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải xát ớt lên mắt để chống chọi với cơn buồn ngủ khi lái xe ban đêm phục vụ chiến trường. Hay chuyện một cô y tá đã nghĩ ra cách làm khẩu trang chống độc đơn giản mà hiệu quả để sử dụng ở chiến trường… Ông nói rằng sẽ không thể tìm đâu ra những chi tiết ấy trong sách vở.

Mắt ông sáng lấp lánh khi “thao thao” kể với tôi những điều ông thích về chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông mô tả là “lôi cuốn”. Ông đánh giá đây là cuộc chiến tiêu hao sinh lực mà yếu tố ý chí của binh sĩ có vai trò quyết định như quân số và vũ khí.

Có hai điều nổi bật về con người Việt Nam mà ông cảm nhận được qua đọc tài liệu và phỏng vấn, đó là quyết tâm và sự khéo léo. Ông đánh giá: “Quyết tâm bắt nguồn từ việc họ hiểu sự nghiệp của họ: giải phóng dân tộc… Nhưng đó cũng nhờ rất nhiều vào tính cách con người Việt Nam. Họ sẵn sàng nỗ lực tập thể để hoàn thành công việc khó khăn. Sự khéo léo của người Việt Nam là thứ biến chiến thắng thành điều khả thi”.

Ông kết luận rằng Điện Biên Phủ không phải là trận chiến mà Pháp thua, đó là trận chiến mà người Việt Nam đã chiến thắng.

Ông Peter Hunt trả lời phỏng vấn của phóng viên Thùy Dương của báo Tin tức (Nguồn: báo Tin tức)

Thùy Dương/Báo Tin tức
Khách tham quan di tích Chiến trường Điện Biên Phủ tăng đột biến
Khách tham quan di tích Chiến trường Điện Biên Phủ tăng đột biến

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay, lượng du khách đổ về Điện Biên tăng cao đột biến, mỗi ngày có hàng nghìn lượt du khách đến tham quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN