Lực lượng Kataeb Hezbollah bị cáo buộc tập kích căn cứ Mỹ tại Jordan là ai?

Lầu Năm Góc chỉ đích danh Kataeb Hezbollah là một trong những lực lượng chính chịu trách nhiệm tấn công căn cứ Mỹ trong ngày 28/1 vừa qua.

Chú thích ảnh
Lực lượng Kataeb Hezbollah dự lễ tang của Fadel al-Maksusi, một thành viên của lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, ngày 2/2, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng Iran và lực lượng đồng minh ở Iraq và Syria. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc không kích hơn để trả đũa cuộc tập kích gây chết người bằng máy bay không người lái vào căn cứ của Mỹ ở Jordan trước đó 5 hôm.

Mỹ quy trách nhiệm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày 28/1 cho các lực lượng mà Washington cáo buộc Iran hậu thuẫn, nhưng đã không tấn công vào lãnh thổ nước này trong khi đáp trả. Dường như cả Washington và Tehran dường như đều muốn tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.

Các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Trung Đông đã đạt đến mức độ chưa từng có kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào miền Nam Israel, khơi mào cuộc chiến sau đó ở Gaza giữa Israel và phong trào Hồi giáo Palestine.

Kể từ giữa tháng 10/2023, đã có ít nhất 165 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các vị trí của lực lượng Mỹ và lực lượng liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, không có thiệt hại về người nào được ghi nhận cho đến cuộc tấn công mới nhất vào ngày 28/1, khi máy bay không người lái tập kích vào căn cứ hậu cần Tháp 22 ở Jordan gần biên giới Syria đã khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và 40 người khác bị thương.

David Rigoulet-Roze, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Chiến lược Pháp (IFAS), nhận định lằn ranh đỏ đối với Mỹ đã bị vượt qua. Ngay sau buổi tối căn cứ bị tấn công, Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả. Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết vụ tấn công có bàn tay của Kataeb Hezbollah - nhóm ở Iraq mà Lầu Năm Góc cáo buộc gây ra bạo lực trước đó – nhúng vào. Nhà Trắng cũng đưa ra cáo buộc tương tự. Người phát ngôn John Kirby trong cuộc họp báo đã quy kết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cho lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq. Ông lưu ý nhóm này bao gồm nhóm Kataeb Hezbollah, đồng thời xác định cuộc tập kích chắc chắn mang dấu vết của nhóm vũ trang này.

Về phần mình, Iran phủ nhận việc đứng đằng sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái cũng như chỉ đạo các nhóm tấn công các căn cứ Mỹ trong thời gian gần đây.

Tuân thủ chỉ đạo của Lãnh tụ Tối cao Iran

Theo ông Rigoulet-Roze, lực lượng Kataeb Hezbollah là một trong những lực lượng ở Iraq “thân với Iran nhất”.

“Họ tuân theo nguyên tắc ‘velayat-e faqih’, có nghĩa là họ công nhận Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei là chỉ huy tối cao”, ông Rigoulet-Roze nhấn mạnh.

Cựu thủ lĩnh Kataeb Hezbollah là Abu Mahdi al-Muhandis. Trước đây, ông này là cánh tay phải của tướng Iran quyền lực Qassem Soleimani. Tuy nhiên, cả hai nhân vật này cùng thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Mỹ vào đoàn xe của họ ở Baghdad năm 2020.

Bị Washington xếp vào danh sách các nhóm khủng bố và bị trừng phạt, Kataeb Hezbollah cùng với Harakat al-Nujaba đã bị lực lượng Mỹ ở Iraq tấn công trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, hầu hết các cuộc tấn công nhắm vào binh sĩ Mỹ trong những tháng gần đây đều do Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, bao gồm Kataeb Hezbollah và Harakat al-Nujaba, thực hiện. Nhóm này nói rằng họ đang hành động để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine. Tuy nhiên, trên hết họ mong 2.500 lính Mỹ được triển khai tại Iraq sẽ rời khỏi đất nước này. Trong bối cảnh đầy biến động, Mỹ và Iraq gần đây tuyên bố họ sẽ bắt đầu đàm phán về việc xây dựng một mốc thời gian cụ thể và rõ ràng cho tương lai của quân đội Mỹ và các nước khác ở Iraq, cùng với mốc thời gian để giảm sự hiện diện.

Từng chống IS cùng Mỹ

Trong số các nhóm hình thành lên phong trào Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, Kataeb Hezbollah là nhóm có ảnh hưởng nhất. Nhà phân tích Rigoulet-Roze chỉ ra nhóm này cũng liên kết với Hashed al-Shaabi, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân Iraq có liên kết với Iran. Thủ lĩnh hiện tại của Kataeb Hezbollah là Abu Fadak al-Muhammadawi, cũng là tham mưu trưởng của lực lượng Hashed al-Shaabi.

Chú thích ảnh
Một thành viên của Hashed al-Shaabi cầm bức chân dung của chỉ huy Iraq bị sát hại Abu Mahdi al-Muhandis tại thành phố thánh địa Karbala, Iraq tháng 12/2020. Ảnh: AFP

Vốn dĩ Hashed al-Shaabi được thành lập vào tháng 6/2014 nhằm hỗ trợ lực lượng Iraq chống IS. Cùng với liên minh chống IS do Washington dẫn đầu, họ đã góp phần vào sự sụp đổ của IS vào năm 2017.

“Có một liên minh khách quan giữa Mỹ và lực lượng Hashed trong việc chống IS. Cả hai chiến đấu ở cùng một phía. Sau năm 2017, các nhóm này quay trở lại ủng hộ Iran và chống Mỹ”, ông Rigoulet-Roze cho hay.

Theo ước tính của AFP, Hashed al-Shaabi hiện bao gồm hàng chục nhóm và có hơn 160.000 thành viên. Viện nghiên cứu Washington chỉ ra lực lượng này có khoảng 230.000 thành viên. Tuy nhiên, cả chính quyền Iraq và tổ chức này đều không thông báo cụ thể về số lượng thành viên.

Trong khi đó, số lượng thành viên của Kataeb Hezbollah có thể dao động từ 3.000 đến 30.000 người, do một phần lực lượng chỉ thỉnh thoảng được huy động.

Đối mặt với sự gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ trong những tuần gần đây, chính phủ Iraq đang ở trong tình thế bị mắc kẹt. Những người đang nắm quyền thuộc một liên minh gồm các đảng Shiite thân Iran và Hashed al-Shaabi. Nhóm này đều có các đại biểu giữ ghế trong quốc hội Iraq kể từ năm 2018.

Về mặt lý thuyết, theo một đạo luật được thông qua vào năm 2016, Hashed al-Shaabi và các nhóm nhỏ, bao gồm Kataeb Hezbollah, là một phần của lực lượng chính quy của Iraq. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan hành pháp không có quyền kiểm soát các lực lượng này.

“Các nhóm này được hưởng lợi phần lớn từ quyền tự chủ. Đây cũng là vấn đề đối với quyền hành pháp của Thủ tướng Iraq Mohamed Chia al-Soudani”, ông Rigoulet-Roze chỉ ra.

Sau những lời đe dọa của tổng thống Mỹ, nhóm Kataeb Hezbollah hôm 30/1 tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động quân sự và an ninh chống lực lượng Mỹ để tránh làm mất mặt chính phủ Iraq. Tuy nhiên, ông Rigoulet-Roze cho rằng tuyên bố được Tổng thư ký của nhóm là Abou Hussein al-Hamidawi ký và đề cập đến chính phủ Iraq hoàn toàn chỉ là vấn đề hình thức. Iran rất có thể đã can thiệp đằng sau để xoa dịu tình hình vì biết rằng lúc này đang có nguy cơ leo thang không kiểm soát được với Nhà Trắng. Song các cuộc trả đũa của Mỹ vào ngày 2/2 có thể khiến nhóm này xem xét lại quyết định của mình.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
Mỹ tấn công 85 mục tiêu ở Iraq, Syria, khởi đầu cho màn đáp trả cuộc tập kích căn cứ
Mỹ tấn công 85 mục tiêu ở Iraq, Syria, khởi đầu cho màn đáp trả cuộc tập kích căn cứ

Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ngày 2/2 cho biết nước này đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào 85 mục tiêu ở Iraq và Syria, “chống lại Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm dân quân trực thuộc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN