Những lần chính phủ Pháp phải 'xuống nước' trước người biểu tình trong vấn đề cải cách

Cơn tức giận của công chúng đối với đề xuất cải cách lương hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như chưa có dấu hiệu giảm bớt, với các cuộc biểu tình, đình công, bất ổn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cả hai bên đều không chịu "xuống thang".

Chú thích ảnh
Người biểu tình cầm biểu ngữ "Nói không với kế hoạch Juppé" ở Caen, Normandy ngày 10/12/1995. Ảnh: AFP

Tình trạng rác thải ùn ứ, mùi hôi nồng nặc bốc lên từ các ngõ ngách đường phố Paris đã phản ánh một cuộc đấu tranh chính trị gay gắt đang diễn ra tại Pháp. Các cuộc biểu tình thậm chí còn tạo ra một khủng hoảng bất ổn khi Tổng thống Macron chỉ đạo thủ tướng dùng quyền đặc biệt được quy định trong hiến pháp để vượt qua Quốc hội nhằm thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.

Rõ ràng, Tổng thống Macron đang đứng trước một bài toán khó, vừa buộc phải thay đổi hệ thống xã hội vừa phải dập tắt được cơn thịnh nộ của công chúng.

Trong lịch sử bàn về sức mạnh của đường phố trong chính trị Pháp, một số chính phủ đã vượt qua các cuộc đình công và biểu tình để ban hành các cải cách trong những thập kỷ gần đây. Đáng chú ý nhất là chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã thành công thuyết phục công chúng ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 tuổi vào năm 2010.

Tuy nhiên, đối với những người biểu tình hiện nay, các cuộc khủng hoảng về cải cách lương hưu năm 1995 và cải cách luật lao động năm 2006 là lịch sử mà họ muốn lặp lại. Trong hai lần này, các phong trào quần chúng đã buộc chính phủ của cựu tổng thống Jacques Chirac phải lùi bước.

Chiến thắng năm 1995 của công đoàn

Nhiều tháng sau khi Tổng thống lúc bấy giờ là Chirac dẫn dắt Điện Élysée, Thủ tướng đầu tiên dưới thời ông là Alain Juppé đã đề xuất một cuộc đại tu hệ thống an sinh xã hội vào tháng 11/1995 để tăng mức đóng góp của người dân đồng thời điều chỉnh các chế độ lương hưu của khu vực công với khu vực tư nhân.

Đề xuất của Thủ tướng Juppé đã gây ra các cuộc đình công và biểu tình lớn, khiến hệ thống hệ thống tàu điện ngầm ở Paris tê liệt trong ba tuần. Phong trào lên đến đỉnh điểm vào ngày 12/12 khi khoảng 2 triệu người đã xuống đường biểu tình. Trong các cuộc thăm dò khi đó, đa số công chúng Pháp ủng hộ các cuộc biểu tình.

Một điểm khác biệt quan trọng giữa cuộc biểu tình năm 1995 và cuộc khủng hoảng hiện tại là vào thời điểm đó, chính phủ đã đàm phán với ban lãnh đạo của công đoàn lớn nhất Pháp là CFDT. Sau đó, cuộc biểu tình đã kết thúc.

Cuối năm 2019, Tổng thống Macron đã tham gia đàm phán với CFDT trong nỗ lực cải cách lương hưu đầu tiên, song đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn tiến trình này.

Hiện tại, quyết không khoan nhượng, Tổng thống Macron hoàn toàn không có ý đàm phán. Đối với chính phủ của ông, luật đã được thông qua. Chính vì vậy, Laurent Berger - lãnh đạo của CFDT - đã cảnh báo ông chủ Điện Élysée về một thực trạng bất ổn gia tăng: “Ông ấy phải rút lại cải cách này trước khi thảm họa xảy ra”.

Kế hoạch cải cách 2006

Mười một năm sau, Thủ tướng Dominique de Villepin đã đưa ra kế hoạch nới lỏng thị trường lao động nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên - một vấn đề kéo dài ở Pháp. Thủ tướng De Villepin đã đề xuất một loại hợp đồng lao động đặc biệt dành cho những người dưới 26 tuổi, cho phép người sử dụng lao động sa thải họ mà không cần đưa ra lý do. Đây là một biện pháp gây tranh cãi, vì nhiều người ở Pháp yêu thích hệ thống bảo vệ việc làm chặt chẽ cho những người có hợp đồng.

Không giống như kế hoạch của Juppé, đề xuất cải cách lao động của de Villepin đã được thông qua thành luật vào tháng 2/2006. Để tránh một cuộc bỏ phiếu của quốc hội, Tổng thống Chirac đã sử dụng Điều 49.3 - công cụ hiến pháp gây tranh cãi nhất – mà Tổng thống Macron cũng đã sử dụng để thông qua các cải cách lương hưu hiện tại.

Mặc dù nó nhanh chóng được đưa thành luật, nhưng nhiều thanh niên Pháp không chấp nhận. Pháp đã chứng kiến ​​​​các cuộc biểu tình lớn vào ngày 7/2 và 7/3 cùng năm, lần lượt khoảng 218.000 đến 1 triệu người xuống đường. Vào tuần cuối cùng của tháng 3, phong trào đã lan rộng ra ngoài giới trẻ, với các cuộc biểu tình trên diện rộng thu hút từ 1 triệu đến 3 triệu người tham gia.

Ngày 31/3, Tổng thống Chirac đảo ngược quyết định. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo tuyên bố luật về một hợp đồng đặc biệt dành cho những người dưới 26 tuổi không có hiệu lực.

Paul Smith, một giáo sư chuyên về chính trị Pháp tại Đại học Nottingham, nhận xét: “Giống như khủng hoảng năm 1995, các cuộc biểu tình năm 2006 có liên quan đến Chirac. Ngay từ đầu, ông ấy đã nghĩ rằng mình được giới trẻ Pháp yêu mến trong khi thực tế không phải vậy. Chirac đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các nghị sĩ địa phương nói rằng không chỉ học sinh và sinh viên mà cả cha mẹ của họ phản đối cải cách của ông. Điều này xảy ra sau thất bại của ông trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp Liên minh châu Âu. Vì vậy, ông ấy đã quyết định việc cải cách hợp đồng lao động là không đáng”.

Sự kiện năm 1995 chứng tỏ rằng có công chúng bên cạnh là yếu tố tối quan trọng đối với một phong trào phản đối cải cách. Các cuộc thăm dò cho thấy sự phản đối các cải cách về vấn đề lương hưu của Tổng thống Macron vẫn tiếp diễn trong những tuần gần đây ở khoảng 2/3 dân số Pháp. Các cuộc biểu tình gần đây nhất vào ngày 23/3 vừa qua đã quy tụ 3,5 triệu người trên khắp nước Pháp.

“Đừng quên tuổi hưởng lương hưu đã tăng từ 60 lên 62. Nhìn chung, người Pháp tương đối bảo thủ. Họ muốn mọi thứ giữ nguyên. Hầu hết mọi người đều theo trường phái giống như những người Bảo thủ Anh trong thời kỳ đầu hậu chiến”, Giáo sư Smith kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
Bất ngờ về vật thể bí ẩn gần hiện trường vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream
Bất ngờ về vật thể bí ẩn gần hiện trường vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tiết lộ về vật thể bí ấn này trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và theo thông báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, nó đã được trục vớt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN