Chiến lược an ninh mới, chiến lược cho 'Nước Mỹ trước tiên'

Với mục tiêu cụ thể là củng cố tầm ảnh hưởng của nước Mỹ trong một thế giới chuyển động không ngừng với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố là sự tiếp nối chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” xuyên suốt trong chiến dịch vận động tranh cử và 11 tháng cầm quyền vừa qua của ông.

Bản thân nhà lãnh đạo này, trong lời mào đầu công bố văn kiện quan trọng, đã khẳng định nước Mỹ cần có một chiến lược an ninh quốc gia mới để ứng phó với những thách thức đe dọa giá trị và ảnh hưởng của Mỹ, thách thức vị thế của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP/TTXVN

Về cơ bản, chiến lược an ninh quốc gia 2017 của Tổng thống Trump không có quá nhiều khác biệt so với chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền trước đó trong đánh giá các thách thức đe dọa nước Mỹ. Khác biệt nằm ở chỗ cách thức giải quyết những thách thức đó. Trong văn kiện mới nhất dài 55 trang này, Tổng thống Trump cũng xác định rõ những thách thức bên ngoài mà nước Mỹ đang phải đối mặt, được chia thành ba nhóm.

Thứ nhất, là các "cường quốc đối thủ" như Trung Quốc và Nga, mà theo Washington là đang tìm cách xây dựng một trật tự thế giới mới cả trên phương diện quân sự cũng như kinh tế để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Nhóm thứ hai là các quốc gia lâu nay các đời tổng thống Mỹ vẫn coi là “đối thủ cứng đầu”, từng được cựu Tổng thống George Bush liệt vào “trục ma quỷ”, là Iran và Triều Tiên.

Tổng thống Trump “tích dấu đỏ” hai nước này với các cáo buộc theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, trợ giúp khủng bố cũng như các hoạt động gây bất ổn khác. Và nhóm thách thức cuối cùng trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ 2017 là các tổ chức khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Đánh giá tổng thể, các thách thức này không có gì khác so với những gì được chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố năm 2015, nhưng vào thời điểm đó, chính quyền Obama nói nhiều hơn về việc chia sẻ và mở rộng các lợi ích kinh tế của Mỹ.

Còn trong văn kiện mới này, Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ hợp tác với các nước khác theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ. Thậm chí, Mỹ có thể đơn phương hành động, bỏ qua các thỏa thuận đang tồn tại, không tính đến lợi ích các nước liên quan trong một số vấn đề như biên giới, thương mại, biến đổi khí hậu, di cư. Thêm vào đó, trái ngược với chính quyền tiền nhiệm, trong văn kiện này, Tổng thống Trump đã xóa tên biến đổi khí hậu khỏi danh sách các nguy cơ đe dọa nước Mỹ.

Theo giới phân tích, Chiến lược An ninh quốc gia 2017 của Mỹ được xây dựng trên nền tảng học thuyết “Nước Mỹ trước tiên”. Đây là chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và cũng là “tấm vé” giúp ông vượt qua đối thủ nặng ký Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng hơn một năm trước. Xuyên suốt văn kiện này là mục tiêu cốt lõi - lợi ích quốc gia của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia căn bản, đó là bảo vệ các lợi ích của đất nước và người dân Mỹ, thúc đẩy phát triển thịnh vượng, thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ.

Một yếu tố căn bản Tổng thống Trump thể hiện qua văn kiện này là gắn kết với các nước khác trong khuôn khổ “hợp tác có đi có lại”, rất phù hợp với tầm nhìn “Nước Mỹ trước tiên”. So với các hai chiến lược an ninh quốc gia của người tiền nhiệm Obama nhấn mạnh đến việc hợp tác với các đồng minh và đối tác kinh tế, thì chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump lại tìm cách giữ cân bằng giữa một bên là khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trước tiên" và một bên là lời khẳng định rằng ông không từ chối hợp tác với các đối tác của Mỹ - chừng nào mà sự hợp tác đó có lợi cho Mỹ. Từ đây, có thể thấy cách tiếp cận giải quyết vấn đề của chính quyền Tổng thống Trump trong chiến lược này chỉ gói gọn trong ý tưởng sự thịnh vượng của Mỹ phải được bảo vệ chứ không phải là mở rộng.

Trong văn kiện này, nền tảng “Nước Mỹ trước tiên” cũng thể hiện rõ ở sự chỉ trích nhằm vào Nga và Trung Quốc. Điều này cho thấy Tổng thống Trump đã bỏ qua quan điểm cá nhân của mình mong muốn một quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một chi tiết đáng chú ý khác là văn kiện trên nhắc đến Trung Quốc như một "đối thủ chiến lược". Đây là một sự thay đổi căn bản so với ngôn từ mà cựu Tổng thống Obama từng dùng đối với Bắc Kinh, khi đó ông coi Trung Quốc là đối tác trong việc đối phó với những mối đe dọa toàn cầu, từ chương trình hạt nhân của Iran tới vấn đề biến đổi khí hậu.

Ngôn từ này của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ sẽ gây áp lực mạnh lên các chính sách kinh tế ưu ái khu vực nhà nước của Trung Quốc cũng như những tuyên bố lãnh thổ - lãnh hải khác. Với các nội dung này, Chiến lược An ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã tái khẳng định những cam kết tranh cử khi nói thẳng rằng "Mỹ sẽ không còn 'nhắm mắt làm ngơ' trước những hành vi vi phạm, lừa đảo hay xâm lược kinh tế". Dư luận Mỹ đang có những phản ứng khác nhau về chiến lược mới trên. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Tổng thống Trump.

Ông Michael Allen, cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, hiện là cố vấn cho đội ngũ của ông Trump, cho rằng đây là một văn kiện đem lại một cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn về các cam kết tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, với chiến lược này nước Mỹ đang đi vào ngõ cụt, sẽ khiến  cho chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến trỗi dậy. Điều này sẽ làm cho nước Mỹ càng ngày càng bị cô lập và khó có thể bảo vệ an ninh và thịnh vượng của chính mình.

Cũng đã có những hoài nghi về quan điểm của ông Trump, cho rằng chiến lược trên đặt ra những vấn đề có vẻ khác xa với thực tế điều hành đất nước hiện nay cũng như các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong việc mặc dù để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc và Nga nhưng thẳng thừng coi các nước này là đối tượng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí là đối thủ có ý định tranh giành vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Trong khi đó, những động thái cứng rắn với Trung Quốc có thể kích động một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và nền kinh tế số 1 châu Á. Chính vì thế, thế giới đang chờ xem chiến lược quốc gia mới của Mỹ sẽ được thực thi như thế nào.

Hồ Phương (TTXVN)
Những điểm không thể bỏ qua trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump
Những điểm không thể bỏ qua trong chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền ông, vạch ra nền tảng và các ưu tiên sẽ định hướng chính sách đối ngoại của Washington trong thời gian tại nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN