Chủ đề kinh tế - tâm điểm của tranh cử Tổng thống Pháp 2022

Năm năm gặp lại trong cuộc "song đấu", chủ đề kinh tế vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của hai ứng cử viên Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Marine Le Pen.

Chú thích ảnh
Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen (trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Trước thềm cuộc bầu cử vòng hai sẽ diễn ra ngày 24/4 tới, lương hưu và sức mua là những nội dung cốt lõi của hai ứng cử viên trong các cuộc vận động tranh cử và cũng là điều nhiều cử tri quan tâm. Và quan điểm của hai ứng cử viên cho thấy có nhiều sự đối lập.

Trong nhiều tháng, Marine Le Pen đã và đang khiến cử tri tin rằng: Bà là ứng cử viên cho sức mua, người muốn duy trì tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62, người muốn áp dụng thuế suất VAT bằng 0% đối với các nhu yếu phẩm… Tóm lại là người mong muốn giúp người dân Pháp trang trải cuộc sống.

Về phần mình, ông Emmanuel Macron bước vào chiến dịch tranh cử vòng hai với một biện pháp gây sốc với việc ủng hộ nâng tuổi nghỉ hưu lên 65. Theo báo chí Pháp, Tổng thống sắp mãn nhiệm đang mang đến cho cuộc tranh luận một tầm nhìn hoàn toàn khác về xã hội. Một tầm nhìn mà ông đã muốn đưa ra để đối lập với Marine Le Pen, 5 năm sau khi đã tham gia "cuộc đấu" về chủ đề kinh tế.

Theo nhật báo Le Figaro, năm 2017, chủ đề kinh tế là một trong những điểm yếu của ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc. Trong cuộc tranh luận giữa hai vòng khi đó, Marine Le Pen đã tỏ ra lúng túng, không thể làm rõ lập trường của mình về việc rời bỏ đồng euro và đàm phán lại các hiệp ước châu Âu. Một dự án được coi là “chết người về sức mua và khả năng cạnh tranh”, theo lời của đối thủ cạnh tranh.

Nhưng giờ đây, nhóm tư vấn của bà đã chỉ ra con đường để đi. “Vào thời điểm đó, giữa nhận thức và thực tiễn là chưa khớp nhau. Giờ thì Marine đã sẵn sàng. Chương trình của bà đã mạch lạc hơn”, một người thân cận của bà đã nói vậy với phóng viên Le Figaro. “Đây là một dự án rất thực tế và hoàn toàn không có chút nào là thuyết phục suông. Mọi thứ đều được tính toán và cân bằng”, ông nói thêm, đảm bảo rằng mỗi đề xuất đều được kiểm tra bởi một nhóm chuyên gia.

Một khảo sát của Odoxa Backbone Consulting thực hiện cho Le Figaro cho thấy các biện pháp chính của Marine Le Pen đưa ra được 72% người Pháp tham gia khảo sát chấp nhận, ngoại trừ việc miễn thuế thu nhập cho thanh niên dưới 30 tuổi, chỉ có 44% ủng hộ. Điều này chứng tỏ ứng cử viên đã nhận được sự tín nhiệm cao trong chủ đề này. Marine Le Pen thậm chí còn được ưa thích hơn Emmanuel Macron khi đề cập đến lương hưu và sức mua. Gaël Sliman, chủ tịch của Odoxa, cho biết: “Rõ ràng cuộc đấu về chủ đề kinh tế đã trở nên rất căng”.

Bất chấp sự tiến bộ của đối thủ cạnh tranh, Emmanuel Macron vẫn là ứng cử viên được coi là có năng lực nhất, người có khả năng nhất để giải quyết các vấn đề về tăng trưởng, nợ và việc làm. Đó là quan điểm mà 57% người được hỏi đưa ra. Tuy nhiên, quan điểm của ông về chế độ nghỉ hưu lại bị 69% phản đối. Điều này lý giải một phần vì sao chỉ có các nhân viên cao cấp (85%) mới hy vọng nhiệm kỳ thứ hai có lợi cho họ.

Ngược lại, trong vấn đề này chiến thắng thuộc về Marine Le Pen khi được tầng lớp công nhân (75%), người thất nghiệp (62%), khu vực công (57%) và khu vực tư nhân (55%) ủng hộ. Một minh họa về hai nước Pháp được thể hiện như hai kẻ đối nghịch.

Chia sẻ với Le Figaro, bà Aurore Bergé, nghị sĩ thuộc đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM), cho rằng cần phải chứng minh “khoảng cách đáng kể giữa chi phí của dự án của Le Pen và chi phí của các chuyên gia độc lập, giữa hiệu quả công bố và kết quả thực tế”. Vị quan chức của tỉnh Yvelines này nói thêm: “Bà ấy bám vào nguyên nhân của sức mua, nhưng những câu trả lời được đưa ra hoàn toàn không ở mức của thời điểm chúng ta đang sống”. Theo quan điểm của bà Aurore Bergé, "Emmanuel Macron là người bảo vệ nước Pháp với một cam kết mạnh mẽ từ Nhà nước, không phải bằng cách đưa ra những lời hứa hão huyền mà chúng tôi biết rằng sẽ không được tài trợ". Mặc dù vậy cải cách lương hưu hiện đang trở thành nội dung gây chia rẽ nhất trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống sắp mãn nhiệm.

Các lập luận chính thức về nhiều vấn đề trong đó có kinh tế, sức mua, lương hưu và việc làm sẽ được hai ứng cử viên đưa ra tranh luận trong buổi tối nay trên kênh truyền hình Pháp với sự theo dõi của hàng chục triệu cử tri.

Nguyễn Thu Hà (PV TTXVN tại Pháp)
Ông E.Macron tiếp tục nới rộng khoảng cách trong các cuộc thăm dò dư luận
Ông E.Macron tiếp tục nới rộng khoảng cách trong các cuộc thăm dò dư luận

Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục nới rộng khoảng cách so với thủ lĩnh đảng cực hữu Marine Le Pen trong các cuộc thăm dò dư luận trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống 2022. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN