Cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ở Nam Cực đang 'nóng' lên

Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở Nam Cực sẽ đánh dấu sự chấm dứt một thời kỳ dài mà lục địa này là nơi hợp tác quốc tế.

Chú thích ảnh
Tàu nghiên cứu hải dương học Vladimirsky của Nga từng được triển khai tới Nam Cực. Ảnh: TASS

Theo Elizabeth Buchanan, chuyên gia tại Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện Quân sự West Point, thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Australi, sau nhiều thập kỷ yên bình, tình hình ở Nam Cực đang dần “nóng” lên. Ngày nay, lục địa này đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi môi trường tự nhiên của Nam Cực trong khi địa chính trị của khu vực này cũng đang biến động nhanh chóng với sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc do nhu cầu tài nguyên ngày càng tăng.

Trung Quốc, Iran và các nước khác đang tăng cường hoạt động ở Nam Cực. Mùa thu năm ngoái, Tư lệnh Hải quân Iran Shahram Iran tuyên bố rằng Tehran có kế hoạch xây dựng một căn cứ lâu dài ở Nam Cực. Sau đó, vào tháng 11, hạm đội Nam Cực lớn nhất từ ​​trước đến nay của Trung Quốc đã triển khai khoảng 460 nhân viên để xây dựng trạm nghiên cứu thứ năm của nước này ở đó. Họ hoàn thành công việc của mình trong ba tháng và trạm nghiên cứu được khánh thành vào tháng 2 năm nay.

Theo Hiệp ước Nam Cực, vốn nhằm điều chỉnh các hoạt động trên khu vực này, việc mở rộng của Trung Quốc là hoàn toàn được phép. Nhưng các trạm nghiên cứu của Trung Quốc đặt ra sự nghi ngờ rằng chúng có thể thực hiện các hoạt động mang tính chất quân sự, bao gồm cả mục đích giám sát. Ví dụ, các hệ thống cứu có thể theo dõi sự dịch chuyển của băng để lập bản đồ di chuyển của lực lượng ở Australia.

Bà Buchanan cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở Nam Cực sẽ đánh dấu sự chấm dứt một thời kỳ dài mà lục địa này là nơi hợp tác quốc tế. Hiệp ước Nam Cực, có hiệu lực vào năm 1961, cấm sử dụng lục địa này cho mục đích quân sự và thay vào đó ủng hộ hợp tác khoa học. Một loạt các thỏa thuận tiếp theo, được gọi là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực, đã thành công trong việc đảm bảo lục địa này là một địa điểm quốc tế trung lập. Nhưng hệ thống hiện đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết.

Nam Cực có khả năng trở thành tuyến đường tới Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nơi đây cũng có trữ lượng lớn các khoáng sản quý, dầu và khí đốt tự nhiên cũng như triển vọng nghề cá lớn. Các nhà quan sát thường đưa ra những điểm tương đồng giữa Nam Cực và Bắc Cực. Hai khu vực có bề mặt tương tự nhau, nơi tận cùng của trái đất với khí hậu lạnh giá và được các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Mỹ quan taam. Tuy nhiên, điều quan trọng là các khu vực được quản lý khác nhau: Bắc Cực không có hệ thống hiệp ước, trong khi Nam Cực lại có. Về mặt địa lý, Bắc Cực là lãnh thổ hàng hải, trong khi Nam Cực là lục địa rộng lớn.

Bắc Cực không phải là một phần của tài sản chung toàn cầu; đây là khu vực được bao quanh bởi 8 nước. Trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh, Bắc Cực là một chiến trường quan trọng. Từ năm 1996, việc quản lý Bắc Cực đã được hỗ trợ bởi Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên chính phủ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác và môi trường. Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các thành viên Hội đồng Bắc Cực đã quyết định tạm dừng công việc của họ trong Hội đồng trong khi Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên. Kết quả là Nga đã rút khỏi các vấn đề ở Bắc Cực và cương vị Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực được chuyển cho Na Uy vào năm 2023, các hoạt động được nối lại nhưng không có sự tham gia của Nga. 

Nam Cực đã không phải trải qua những trở ngại tương tự nhờ Hiệp ước Nam Cực. Ban đầu nó được thiết kế để ngăn chặn căng thẳng Chiến tranh Lạnh tràn sang Nam Cực bằng cách chỉ định Nam Cực là khu bảo tồn khoa học. Ngoài mục đích khoa học, hoạt động quân sự và thử nghiệm vũ khí hạt nhân đều bị cấm trên lục địa này. Các bên tham gia hiệp ước được quyền tiếp cận công bằng thông qua các trạm nghiên cứu của họ. Các quy tắc được thiết lập ở Nam Cực phần lớn đã thành công trong việc giữ cho lục địa này cách ly khỏi những căng thẳng địa chính trị.

Mặc dù Hệ thống Hiệp ước Nam Cực đã giữ cho khu vực ổn định trong nhiều thập kỷ, nhưng cuộc cạnh tranh địa chính trị mới giữa các cường quốc đang gây ra sự bất ổn mới cho Nam Cực khi một số quốc gia tìm cách thay đổi hệ thống đó. Ví dụ, Trung Quốc đã xây dựng trạm nghiên cứu mới mà không gửi các đánh giá môi trường cần thiết cho các thành viên tham gia hiệp ước theo quy định. 

Khi ranh giới giữa nghiên cứu khoa học và hoạt động quân sự trở nên mờ nhạt, các hoạt động diễn ra trong "vùng xám" này đang bắt đầu làm xói mòn hiện trạng hòa bình đã tồn tại từ lâu ở Nam Cực. Các nguồn tài nguyên khổng lồ như thủy sản, năng lượng và nước ngọt không thuộc về riêng một quốc gia nào, vì vậy các quốc gia đang tìm cách cải thiện vị thế thông qua việc tạo dựng chỗ đứng trong nghiên cứu khoa học.

Một phần lý do khiến Nam Cực dễ bị cạnh tranh chiến lược là do các quốc gia đã có sự hiện diện khoa học ở đó và có thể dễ dàng chuyển thành hiện diện quân sự. Trung tâm khoa học chiến lược của Mỹ - Trạm Nam Cực Amundsen-Scott - nằm trên tất cả bảy yêu sách lãnh thổ đối với lục địa. Căn cứ này có tới 150 nhân viên Mỹ tham gia nghiên cứu khoa học. Xa hơn về phía Nam, vào mùa hè, có tới 1.500 nhân viên Mỹ hoạt động tại Trạm McMurdo. Trạm thứ ba của Mỹ, Palmer, có khoảng 40 nhân viên Mỹ. Kết hợp với nhau, các trạm này gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về sự hiện diện của Mỹ ở Nam Cực.

Trung Quốc cũng có lịch sử kết hợp công việc nghiên cứu khoa học với hoạt động quân sự, một cách tiếp cận mà nước này hiện đã quy định trong luật. Được Chính phủ Trung Quốc mệnh danh là “sự kết hợp dân-quân sự”, tất cả các hoạt động nghiên cứu dân sự hiện nay đều bắt buộc phải có ứng dụng hoặc tiện ích quân sự cho Trung Quốc. Điều này giúp Trung Quốc có thể mở rộng dấu chân ở Nam Cực.

Mặc dù Hiệp ước Nam Cực cấm quân sự hóa hoặc triển khai quân sự, nhưng nhân viên quân sự và thiết bị quân sự được phép chuyển đến nếu hỗ trợ các mục tiêu nghiên cứu khoa học. Nhiều quốc gia dựa vào quân đội của họ để hoạt động ở Nam Cực. Argentina, Australia, New Zealand, Anh và Mỹ đều triển khai trang thiết bị quân sự và nhân sự trong các chuyến thám hiểm nghiên cứu Nam Cực. Quân đội Trung Quốc và Nga cũng cung cấp hỗ trợ hậu cần cho một số sứ mệnh của họ ở Nam Cực.

Chuyên gia Buchanan kết luận, các hoạt động này nằm trong giới hạn của Hệ thống Hiệp ước Nam Cực, nhưng sự mơ hồ của nó tạo ra những tác động an ninh. Khó xác định được nhân viên đang tiến hành các hoạt động dân sự hay quân sự. Vệ tinh là một ví dụ rõ ràng: Các hệ thống như GPS của Mỹ, BeiDou của Trung Quốc, Galileo của EU và GLONASS của Nga đều dựa vào các trạm thu mặt đất ở Nam Cực để hoạt động. Mặc dù các hệ thống này là trọng tâm của nghiên cứu khoa học ở Nam Cực nhưng chúng cũng có những ứng dụng an ninh quân sự rõ ràng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Foreign Policy)
Giới khoa học Trung Quốc dự đoán chính xác về băng biển ở Nam Cực nhờ máy học
Giới khoa học Trung Quốc dự đoán chính xác về băng biển ở Nam Cực nhờ máy học

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sun Yat-sen kết hợp với Phòng thí nghiệm Khoa học và Kỹ thuật Biển phía Nam Quảng Đông (Chu Hải) của Trung Quốc đã đưa ra dự đoán chính xác về băng biển Nam Cực từ tháng 12/2023- 2/2024 nhờ phương pháp máy học chuyên sâu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN