Đột phá trong đàm phán hòa bình Azerbaijan - Armenia

Trên thực tế, thỏa thuận mới đầu tiên giữa Azerbaijan Armenia cho thấy các cuộc đàm phán song phương trực tiếp có thể hiệu quả hơn các cuộc đàm phán qua trung gian.

Chú thích ảnh
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) bắt tay Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: primeminister.am

Theo bình luận của  Robert M. Cutler, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu châu Âu, Nga và Á-Âu, Đại học Carleton, và là cựu thành viên tại Viện Các vấn đề Toàn cầu của Canada trên trang mạng Eurasiareview.com ngày 11/12, trong một tuyên bố song phương đầu tiên mà không có sự tham gia từ bên ngoài, Azerbaijan và Armenia đã đạt được một thỏa thuận nhân đạo và mang tính biểu tượng ngoại giao cực kỳ quan trọng. Đây là lần đầu tiên Azerbaijan và Armenia đồng ý phối hợp và hợp tác về các vấn đề liên quan đến hai bên.

Khía cạnh nhân đạo là Azerbaijan - theo tuyên bố là "được thúc đẩy bởi các giá trị của chủ nghĩa nhân văn và như một cử chỉ thiện chí” - đã đồng ý thả 32 quân nhân Armenia, trong khi Armenia, cũng có kế hoạch tương tự với 2 binh sĩ Azerbaijan. Nhưng đó không phải là tất cả. 

Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) sắp kết thúc tại Abu Dhabi. Phiên họp thứ 29 (COP29) dự kiến sẽ được tổ chức vào năm tới ở Đông Âu. Trong điều có thể được gọi là hành động mang tính xây dựng và tiến bộ nhất mà “ngoại giao khí hậu” từng thực hiện, Armenia đã rút lại quyền ứng cử đăng cai COP29 để ủng hộ nỗ lực của Azerbaijan.

Trong bối cảnh đó, tuyên bố song phương trên tái xác nhận ý định của hai nước “bình thường hóa quan hệ và đạt được hiệp ước hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Tuyên bố kết luận rằng hai bên “sẽ tiếp tục thảo luận về việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin sâu sắc hơn” sẽ có hiệu lực trong tương lai gần và “sẽ tác động tích cực đến toàn bộ khu vực Nam Caucasus”. Thỏa thuận này được thực hiện thông qua liên hệ trực tiếp giữa đại diện chính quyền của Tổng thống Azerbaijan và Văn phòng Thủ tướng Armenia.

Tất cả các hoạt động hòa giải của bên thứ ba, ngoại trừ sáng kiến của Mỹ, đã sụp đổ tính đến giữa năm 2023. Trên thực tế, thỏa thuận mới đầu tiên này cho thấy các cuộc đàm phán song phương trực tiếp, điều mà Azerbaijan đã nhấn mạnh từ lâu, có thể hiệu quả hơn các cuộc đàm phán qua trung gian. Điều này tạo cơ hội cho "nhà hòa giải" đưa lợi ích của mình vào mối quan hệ song phương, do đó thực sự làm phức tạp thêm cuộc đàm phán.

Chú thích ảnh
Mỹ đã tăng cường can dự vào đàm phán hòa bình Armenia và Azerbaijan từ đầu năm 2023. Ảnh: primeminister.am

Ngoại giao Mỹ tham dự trong bối cảnh bế tắc đó vào đầu năm 2023. Sau hơn hai năm do dự sau cuộc chiến tranh năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khởi xướng một cuộc gặp được tổ chức vào tháng 2 giữa Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Cuộc gặp chuyên sâu tại Washington vào tháng 5, do ông Blinken làm trung gian giữa ngoại trưởng hai nước, đã thể hiện biểu tượng ngoại giao hiếm có đó, một bước đột phá thực sự. Nhưng các nhóm lợi ích người Mỹ gốc Armenia liên tục gây áp lực chống lại hòa bình thông qua ảnh hưởng mạnh mẽ của họ trong Quốc hội Mỹ. Vào mùa hè, họ tái khẳng định ảnh hưởng này bằng việc bổ nhiệm James O'Brien vào vị trí Trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu.

Ông O'Brien đã đưa ra tuyên bố gây tranh cãi trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào ngày 15/11 vừa qua, trong đó cho rằng nên đình chỉ mọi hỗ trợ quân sự và các viện trợ khác cho Azerbaijan, đồng thời lập luận vô căn cứ rằng Azerbaijan đang chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự nhằm vào lãnh thổ Armenia.

Ngay lập tức, lệnh cấm không chính thức đối với các chuyến thăm cấp cao của Azerbaijan tới Washington đã được công bố, nhưng lệnh này đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Aliyev đáp lại bằng cách cắt tất cả các chuyến thăm chính thức của Mỹ tới Baku. Azerbaijan hủy bỏ động thái này sau khi ông Blinken điện đàm riêng cho Tổng thống Aliyev để đề nghị cho phép ông O'Brien đến thăm Baku vào đầu tháng 12 này, đổi lại ông Aliyev nhận được việc bãi bỏ lệnh cấm không chính thức của Mỹ đối với các chuyến thăm của Azerbaijan tới Washington.

Khi ông O'Brien gặp Tổng thống Aliyev ở Baku vào ngày 6/12, Đại sứ Mỹ tại Azerbaijan đã tháp tùng một cách đặc biệt. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, họ “đã thảo luận về mối quan hệ lịch sử sâu sắc giữa hai nước và tầm quan trọng của mối quan hệ song phương”. Ông O'Brien cũng thông báo rằng Mỹ mong được đón tiếp Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov và Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan ở Washington sớm cho vòng đàm phán hòa bình tiếp theo.

Trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng nhằm ngăn chặn hòa bình, nhóm lợi ích chính của người Armenia ở Washington đã bắt đầu chiến dịch chống lại việc cấp thị thực cho Ngoại trưởng Bayramov vào Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như mối quan hệ Mỹ - Azerbaijan hiện nay ít nhiều đã trở lại đúng hướng. Mặc dù vậy, với các diễn đàn song phương và các diễn đàn tập trung vào khu vực hiện có, những gì Mỹ có thể đóng góp cụ thể cho hòa bình ở Nam Caucasus vẫn còn phải xem xét.

Công Thuận/Báo Tin tức (Eurasiareview.com)
Armenia và Azerbaijan tiến hành đàm phán phân định biên giới
Armenia và Azerbaijan tiến hành đàm phán phân định biên giới

Ngày 30/11, Armenia và Azerbaijan đã nối lại các cuộc đàm phán về biên giới chung, sau một thời gian đình trệ kể từ khi Baku giành lại khu vực Nagorny-Karabakh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN