Gay gắt với Iran để đòi thỏa thuận, Tổng thống Trump đang áp dụng chiêu thức như làm với Triều Tiên?

So sánh những lời lẽ gay gắt về Triều Tiên trước khi đạt được thỏa thuận về một Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, phát ngôn mạnh bạo đe dọa Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay có thể là một nỗ lực.. làm dịu Tehran.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Dailyexpress

Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, ngày 22/7 công khai chỉ trích chế độ Iran trong một bài phát biểu trước cộng đồng người Mỹ gốc Iran ở California.  Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Pompeo cũng tuyên bố kế hoạch của Washington tài trợ cho một kênh truyền hình mới sử dụng tiếng Farsi như một phần trong nỗ lực làm suy yếu chính phủ Tehran.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo người đồng cấp Donald Trump tránh khuấy động xung đột và cảnh báo về "mẹ của tất cả các cuộc chiến tranh". Đáp lại, trong một dòng tweet gửi tới người đồng cấp Rouhani, Tổng thống Trump cảnh báo nhà lãnh đạo Iran "đừng bao giờ đe dọa Mỹ một lần nữa", nếu không hãy chuẩn bị đón nhận "hậu quả mà chưa từng xảy ra trong lịch sử"?

Theo các nhà phân tích, mục tiêu thực sự của Tổng thống Trump trong nỗ lực trừng phạt và đe dọa Iran là muốn đưa một Iran bất ổn ngồi vào bàn đàm phán, và từ dó một thỏa thuận mới và toàn diện hơn thay thế bản thỏa thuận hạt nhân cũ 2015.

“Ý tưởng là tạo ra đòn bẩy và khám phá cơ hội để tận dụng đòn bẩy đó. Iran càng bất ổn bao nhiêu, thì Mỹ lại càng có nhiều đòn bẩy và khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn đối với Mỹ càng lớn”, Mark Dubowitz – Giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc phòng Dân chủ có trụ sở ở Washington, hiện đang làm cố vấn cho Ngoại trưởng Pompeo, giải thích.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump sử dụng những lời lẽ gay gắt và đầy khiêu khích đối với một quốc gia. Năm ngoái, Tổng thống Trump cũng có cuộc khẩu chiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên, đe dọa trút “lửa cháy và giận dữ” xuống quốc gia Đông Bắc Á và làm dấy lên nỗi lo sợ một cuộc xung đột quân sự sẽ xảy đến. Nhưng cuối cùng, kết quả là hai nhà lãnh đạo vui vẻ bắt tay nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Sentosa và Tổng thống Trump tuyên bố chiến chắng vì có công lớn trong việc làm giảm căng thẳng hai nước.

“Tổng thống Trump sử dụng chiến thuật này với Triều Tiên trước đây, ông thấy nó có hiệu quả và có lợi cho ông”, Suzanne Maloney – Phó Giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings nhận định.

Tổng thống Trump và ban cố vấn của ông tin rằng phản ứng gay gắt đối với Triều Tiên cùng với các lệnh trừng phạt cứng rắn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Triều Tiên không hề phóng bất kỳ quả tên lửa nào trong 9 tháng nay. Cũng như không có các cuộc thử hạt nhân. Nhật Bản vui mừng, toàn bộ châu Á vui mừng”, Tổng thống Trump đăng dòng tweet ngày 23/7.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng lo ngại chiến thuật Tổng thống Trump áp dụng với Triều Tiên có thể không hiệu quả đối với Iran.

Không giống Triều Tiên, đất nước sở hữu chương trình hạt nhân bị cộng đồng quốc tế phản ứng và dẫn tới các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, rất nhiều quốc gia vẫn giữ mối quan hệ thương mại với Iran trong khi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 của Tổng thống Trump lại bị chỉ trích nặng nề.

 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tưởng bị tấn công, Israel phóng tên lửa triệu đô đánh chặn tên lửa đạn đạo Syria
Tưởng bị tấn công, Israel phóng tên lửa triệu đô đánh chặn tên lửa đạn đạo Syria

Israel đã lần đầu tiên sử dụng hệ thống phòng không David's Sling của mình trong chiến trận, phóng hỏa lực nhằm vào hai tên lửa đạn đạo đất đối đất của Syria vì tưởng nhầm bị tấn công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN