Hướng phát triển mới của cấu trúc khu vực Trung Đông sau khi Saudi Arabia gia nhập SCO

Quyết định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) của Saudi Arabia có thể là thời điểm thuận lợi để SCO hình thành và sắp xếp các kịch bản trong tương lai nhằm định hình các khối khu vực và quốc tế mới. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong chuyến thăm Saudi Arabia tháng 12/2022. Ảnh: Reuters

Ngày 29/3, Saudi Arabia đã đồng ý trở thành đối tác đối thoại trong SCO, một khối Á-Âu với trọng tâm thúc đẩy hợp tác đa phương trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và chính trị. SCO hiện nay có 8 thành viên đầy đủ tư cách, gồm: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Iran mới gia nhập. Tổ chức này cũng đã trao tư cách quan sát viên cho Afghanistan, Mông Cổ và Belarus; trao tư cách đối tác đối thoại cho Azerbaijan, Armenia, Campuchia, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Sri Lanka.

Là giai đoạn đầu tiên khi gia nhập SCO, quan hệ đối tác đối thoại thể hiện cấp độ hợp tác thấp nhất trong tổ chức. Do đó, một số nhà quan sát cho rằng không nên cường điệu hóa tác động của việc Saudi Arabia trở thành một đối tác như vậy.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Abas Aslani, nhà nghiên cứu người Iran tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông ở Tehran, động thái này có ý nghĩa lớn hơn khi được đặt trong bối cảnh của các sự kiện và diễn biến gần đây ở Trung Đông.

Tiến sĩ Aslani cho rằng, với tư cách là đối tác đối thoại trong SCO và để gia nhập tổ chức này, Saudi Arabia cần cam kết không thù địch với các thành viên hiện có và duy trì mối quan hệ tích cực với họ. Do đó, trong những cuộc thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Tehran và Riyadh, như các vấn đề về giao thông vận tải, liên lạc và địa chính trị, có thể đã được bàn thảo tại Bắc Kinh.

Lợi ích với sáng kiến Vành đai và Con đường

Sau thông báo về quyết định của Saudi Arabia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ và tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như thúc đẩy phát triển chung thông qua tăng cường hợp tác với Saudi Arabia trong khuôn khổ SCO.

Mặc dù SCO trao quyền phủ quyết cho tất cả các quốc gia thành viên trong nhiều vấn đề mang tính quyết định, nhưng theo một số nhà quan sát, ảnh hưởng của Trung Quốc trong tổ chức khiến nước này trở thành động lực đưa ra các quyết định.

Ngoài ra, Trung Quốc đã nỗ lực điều chỉnh các cơ chế kinh tế của SCO cho phù hợp với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Tháng 3/2015, Tổng thư ký SCO Dmitry Mezentsev tuyên bố rằng tổ chức này sẽ tích hợp các chiến lược phát triển của mình với Sáng kiến Con đường Tơ lụa đầy tham vọng của Trung Quốc, mở rộng lời mời tới tất cả các thành viên tham gia vào sáng kiến trên.

Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí thực hiện các biện pháp hợp nhất Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa với Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), sử dụng SCO làm cơ cấu điều phối. Ngoài ra, việc phân bổ các khoản đầu tư và khoản vay trong SCO cũng ưu tiên các quốc gia tham gia BRI.

Chú thích ảnh
Trung Quốc đã tăng cường đầu tư trong các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Đông theo BRI. Ảnh: THX

Do đó, tư cách thành viên của Saudi Arabia có thể được coi là một lợi ích đáng kể cho Trung Quốc khi việc mở rộng không gian địa lý của SCO tạo điều kiện cho hợp tác với một quốc gia tham gia BRI. Đáng chú ý, vào tháng 12/2022, Trung Quốc và Saudi Arabia đã ký kết các thỏa thuận song phương và biên bản ghi nhớ được thiết kế để điều chỉnh tầm nhìn phát triển năm 2030 của Saudi Arabia với BRI của Trung Quốc.

Đặc biệt khi xem xét rằng tư cách thành viên đồng thời của Iran và Saudi Arabia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một mạng lưới kinh tế chiến lược trên toàn khu vực vì cả Iran và Saudi Arabia đều có tiềm năng hợp tác lớn về cơ sở hạ tầng và thúc đẩy quan hệ, kết nối giữa Trung Á và Trung Đông. 

Lợi ích địa chính trị

Mặc dù SCO tự mô tả họ là một công cụ để hội tụ kinh tế, nhưng sự mở rộng của tổ chức mang lại những tác động chính trị và an ninh rộng lớn hơn. Quá trình mở rộng thành thành viên với Ấn Độ, Pakistan và Iran trong thập kỷ qua cho thấy kết quả của sự kết hợp giữa các động cơ kinh tế và địa chính trị. Đây cũng có thể là trường hợp của Saudi Arabia.

Cụ thể, khi Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển cấu trúc khu vực mới ở Trung Đông, tư cách thành viên SCO của Saudi Arabia thúc đẩy ba mục tiêu địa chính trị chủ yếu. Đầu tiên và quan trọng nhất: mở rộng SCO đến tận Trung Đông và do đó tăng cường sự hiện diện hiện của tổ chức này ở Trung Á, Nam Á và khu vực Á-Âu. Thứ hai, sự phát triển này giúp SCO có thể thực hiện sứ mệnh an ninh khu vực trong bối cảnh Saudi Arabia là một bên tham gia chính trong cuộc cạnh tranh địa chính trị và kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra, việc bổ sung Saudi Arabia vào tổ chức là thời điểm thuận lợi để SCO hình thành và sắp xếp các kịch bản trong tương lai nhằm định hình các khối khu vực và quốc tế mới. Cụ thể, việc gia nhập của Saudi Arabia sẽ cho phép SCO thúc đẩy chiến lược hợp tác và thiết lập liên minh giữa các thành viên mới trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải và hệ thống tài chính, đồng thời củng cố sự gắn kết và hiệu quả của tổ chức như một lực lượng khu vực và quốc tế đáng gờm.

Tóm lại, Tiến sĩ Aslani kết luận trong thời gian tới, việc Saudi Arabia đang trên con đường gia nhập SCO có thể góp phần tiếp thêm sinh lực và tăng cường hoạt động phối hợp của tổ chức này. Hiện tại, một trong những mục tiêu cấp bách nhất là thiết lập một hệ thống tài chính độc lập với các hệ thống tài chính của phương Tây vốn bị USD hóa.

Bên cạnh đó, việc tham gia của Saudi Arabia cũng giúp các thành viên SCO tăng cường khả năng tiếp cận nguồn cung năng lượng dồi dào, trong đó có Trung Quốc. Mặc dù sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên SCO trong các vấn đề năng lượng không phụ thuộc vào việc họ có gia nhập tổ chức hay không, nhưng tư cách thành viên của Saudi Arabia – cùng với các thành viên Nga và Iran - có thể củng cố vị thế của câu lạc bộ năng lượng trong SCO.

Được thành lập năm 2013 do Nga đề xướng, câu lạc bộ năng lượng trong SCO có mục tiêu chính là đáp ứng nhu cầu năng lượng của các thành viên, phát triển cơ sở hạ tầng phân phối năng lượng trên khắp các quốc gia thành viên và đảm bảo an ninh năng lượng của họ thông qua việc cung cấp nhiên liệu thay thế, bao gồm cả năng lượng hạt nhân. Câu lạc bộ năng lượng này cũng có thể thúc đẩy hợp tác với các nhà sản xuất năng lượng khác.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Middleeasteye.net)
Mỹ - Nga cạnh tranh khốc liệt hơn ở Trung Đông sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát
Mỹ - Nga cạnh tranh khốc liệt hơn ở Trung Đông sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát

Các đối tác của Mỹ ở Trung Đông như Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đang có xu hướng thân thiện hơn với Nga, khi họ nghi ngờ về cam kết của Washington.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN