“Lối thoát hẹp” trong quan hệ Nga - Nhật Bản

“Lối thoát hẹp” mang tên Kuril dường như sẽ được khai thông, không còn đóng vai trò "con tin" kìm hãm mối quan hệ Nga - Nhật Bản.

Ngoại trưởng 2 nước Nga và Nhật Bản gặp nhau tại Moskva không vẫn không thu hẹp được bất đồng về tranh chấp lãnh thổ. Nguồn: Reuters.

Báo chí Nga thời gian qua cho biết sau rất nhiều bất đồng, giờ đây Nga và Nhật Bản đang khẩn trương xúc tiến mọi công tác chuẩn bị, nỗ lực tiến tới ký Hiệp ước hòa bình song phương- một văn bản vốn bị trì hoãn ký kết suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay.

Tokyo đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nước này trong các ngày 15-16/12. Trong tuần qua, Ngoại trưởng xứ "Mặt Trời mọc" Fumio Kishida đã gặp gỡ Tổng thống Nga Putin tại St Petersburg, để gửi gắm thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng như gặp gỡ người đồng cấp Sergey Lavrov tại Moskva nhằm truyền tải tâm nguyện của Nhật Bản về hy vọng sớm ký Hiệp ước hòa bình với Moskva cũng như gỡ rối vấn đề Nam Kuril.

Ông Fumio Kishida cho biết Tokyo đặc biệt chú ý lời ông Putin trong Thông điệp Liên bang lần thứ 13 vừa qua của ông, trong đó bày tỏ hy vọng về tiến bộ trong quan hệ với Nhật Bản. Quả thực chuyến thăm sắp tới của ông Putin đến Vương quốc Hoa anh đào được coi là sự kiện lớn nhất năm nay trong quan hệ Nga-Nhật. Và đương nhiên, Nhật Bản cũng dành cho chuyến thăm sắp tới của vị khách đến từ Moskva một sự kỳ vọng đặc biệt.

Tuy nhiên, những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại cho thấy thái độ dè dặt hơn từ phía Nga. Ông thừa nhận Moskva cũng hết sức mong muốn cải thiện quan hệ với Tokyo, song chớ nên quá kỳ vọng vào kết quả của một chuyến thăm.

Theo ông Lavrov, để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đòi hỏi phải tìm ra giải pháp cùng chấp nhận được. Điều đó cần "sự kiên nhẫn, siêng năng và làm việc không ngừng nghỉ". Theo Ngoại trưởng Nga, điều gì chưa diễn ra, chớ nên quá kỳ vọng cũng như đừng quá thờ ơ. Đặc biệt đây lại là một chủ đề khá nhạy cảm và được truyền thông đặc biệt quan tâm.

Ông Lavrov cũng cho rằng chính vì mỗi bên đều căn cứ các nguyên tắc, lý lẽ, lập luận riêng, nên việc đi tới thống nhất thực sự sẽ không dễ dàng. Hiện Moskva và Tokyo chỉ đang cố gắng thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực khác, mà hầu như tránh đụng chạm tới chủ đề nhạy cảm liên quan chủ quyền biển đảo.

Tuy thế, Moskva cho rằng nếu các dự án hợp tác kinh tế song phương được thực hiện, cũng sẽ góp phần nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Phát biểu với Báo Độc lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Viện Viễn Đông Nga, ông Valery Kistanov cho rằng “để đạt bước tiến bộ thực sự trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, tại cuộc hội đàm tới đây, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe cần có trách nhiệm, không nên vừa lòng với những thỏa thuận chung chung rằng sẽ tiếp tục đàm phán...”.

Nhà nghiên cứu cũng nhắc lại một “cử chỉ đẹp” của Tokyo khi đề nghị tăng cường hợp tác kinh tế với Moskva, trong cuộc gặp Tổng thống Nga Putin ở Sochi hồi tháng 5 vừa qua, với bối cảnh nền kinh tế Nga gặp khó khăn vì giá dầu sụt giảm cũng như phải đối phó với các đợt trừng phạt của phương Tây.

Chuyên gia này khẳng định rằng sau chuyến thăm Nga nói trên, ông Abe đã ít nhiều bị chỉ trích khi tính toán thiếu kỹ lưỡng, định dùng "đòn bẩy kinh tế" để đạt tới sự nhượng bộ lãnh thổ từ phía Nga. Chuyến thăm hồi tháng 5 đó, trên thực tế là một điểm trừ trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 2 của ông Abe.

Nó càng là một dấu ấn bất lợi đối với ý định của ông ở lại nhiệm kỳ thứ ba, đến năm 2021. Ông Abe đã đặt cược khá lớn vào việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ, thông qua ý định xây dựng quan hệ tốt với ông Putin, trong các dự án hợp tác kinh tế lớn với Nga mà món hời lại dành cho Moskva.

Tờ báo Nga kết luận đây không phải lần đầu tiên ông Abe đề xuất tăng cường hợp tác kinh tế với Nga, bao gồm cả các dự án phát triển vùng lãnh thổ Viễn Đông. Trên thực tế, trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên hồi năm 2007, ông Abe cũng đã đề nghị Nga hợp tác kinh tế, với hy vọng giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, mãi đến nay, lời giải về chủ quyền 4 hòn đảo ở Nam Kuril vẫn mờ mịt.

Trong khi đó, cả Mỹ và Nga đều thể hiện nhiều điểm không hài lòng trong cách hành xử của Nhật Bản. Cụ thể Nga không hài lòng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Nhật Bản, cho rằng điều đó đặt ra mối đe dọa cho Nga.

Trong khi Chính quyền Obama thể hiện sự không hài lòng khi ông Abe tích cực tái lập quan hệ với Nga, bất chấp các nước phương Tây cô lập kinh tế và chính trị Nga trên trường quốc tế. Mối quan hệ Nga - Nhật sẽ đi về đâu. Câu trả lời cho vấn đề này sẽ phần nào sáng tỏ, khi chuyến thăm Tokyo của ông Putin đang đến thật gần.

Gia Linh
Nhật Bản cạnh tranh thúc đẩy quan hệ với Cuba
Nhật Bản cạnh tranh thúc đẩy quan hệ với Cuba

Việc Mỹ và Cuba nối lại quan hệ vào tháng 7/2015 đã mở ra cơ hội về kinh tế, chính trị cho nhiều quốc gia mong muốn hợp tác với Cuba, trong đó có Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN