Lý do các nước vùng Vịnh từ chối tăng sản lượng dầu trước sức ép phương Tây

Ưu tiên lợi ích kinh tế và chiến lược riêng, các quốc gia vùng Vịnh cho đến nay vẫn “ngó lơ” trước sức ép kêu gọi tăng sản lượng dầu từ phương Tây.

Chú thích ảnh
Một cơ sở khai thác dầu tại khu vực al-Khurj, phía nam thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin AFP, giá một thùng dầu thô tại Mỹ đã tăng lên tới 115 USD - mức cao kỷ lục kể từ năm 2008, trong bối cảnh tình hình chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga dấy lên quan ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu. Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.

Ngày 2/3, Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu và các đồng minh (OPEC+) do Riyadh và Moskva dẫn đầu đã từ chối lời kêu gọi tăng lượng sản xuất dầu bất chấp sức ép từ các nước phương Tây. Trong thông cáo báo chí gửi đến phóng viên, tổ chức này giải thích "những biến động hiện tại không phải do thay đổi thị trường mà là do những diễn biến địa chính trị".

Hasan Alhasan, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định: “Các quốc gia vùng Vịnh đang thăm dò năng lực tự chủ chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Ông Hasan chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia trên chần chừ hành động là do họ đang được hưởng lợi từ đợt tăng giá ngắn hạn này.

Theo nhà nghiên cứu Karen Young thuộc Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab, nếu giá một thùng dầu duy trì trên 100 USD, điều này có nghĩa là không có quốc gia nào trong 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách vào năm 2022.

“Giữ chân Nga”

Amena Baker - một nhà phân tích tại công ty năng lượng Energy Intelligence - cho biết OPEC+ nhận định hiện chưa có tình trạng khan hiếm dầu thô trên thị trường. “Tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga vẫn chưa thấy rõ”, bà Baker đánh giá.

Nhà phân tích chỉ ra hai quốc gia OPEC+ duy nhất có thể thực sự “mở cửa xả lũ” là Saudi Arab và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), song ngay cả hai nước này cũng không thể bù đắp cho sản lượng xuất khẩu của Nga. “Các tính toán của chúng tôi đưa năng suất dự phòng của OPEC+ là 2,5 triệu thùng/ngày. Con số đó ít hơn nhiều so với 4,8 triệu thùng/ngày Nga xuất khẩu”, bà Baker nói thêm các thành viên OPEC+ rất coi trọng việc giữ Nga là một phần của tổ chức vì đây là cách duy nhất đảm bảo một công cụ quản lý thị trường hiệu quả trong những năm tới.

Chuyên gia Hasan nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất đối với Saudi Arabia là sự ổn định giá dầu". Lần gần đây nhất Saudia Arabia và Nga xung đột về hạn ngạch sản xuất đã dẫn đến cuộc chiến về giá dầu, khiến giá dầu sụp đổ.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 1/3 thông báo các nước thành viên sẽ “xả” 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược để ổn định thị trường toàn cầu. Một nửa trong số đó là của Mỹ.

Chuyên gia Hasan cho biết sức ép mà Mỹ tác động lên các các đối tác vùng Vịnh thân thiết hiện vẫn còn “hạn chế”. Các quốc gia vùng Vịnh đã thể hiện một thông điệp rất rõ ràng rằng “đây không phải là cuộc chiến của bọn họ”. Với vai trò là người nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, UAE đã bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết của Mỹ lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine trong cuộc họp ngày 25/2.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Lý do các đồng minh Trung Đông, kể cả Israel không theo Mỹ áp đặt trừng phạt Nga
Lý do các đồng minh Trung Đông, kể cả Israel không theo Mỹ áp đặt trừng phạt Nga

Không một quốc gia đồng minh nào của Mỹ ở Trung Đông, kể cả Israel, lên tiếng ủng hộ Washington trong cuộc đối đầu với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN