Lý do khiến Nga đặt tên lửa Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân ở Belarus

Chuyên gia cho rằng có hai lý do chính khiến Nga quyết định đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, cụ thể là tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Hai lý do chính

Chú thích ảnh
Tổng thống Putin (trái) và Tổng thống Lukashenko tại Minsk ngày 19/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng vũ trang Belarus vừa nhận được các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ Nga. Với hệ thống này, Nga và Belarus đã tăng cường hiệu quả của hệ thống phòng không chung.

Theo đài Sputnik, ông Dmitry Suslov, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, nhận định Nga đã chuyển giao những quả tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus vì hai lý do.

Lý do thứ nhất liên quan bản chất đối đầu lâu dài giữa Nga - phương Tây; quyết định của Mỹ và NATO tiến hành quân sự hóa lâu dài toàn diện châu Âu; sự gia tăng mạnh mẽ hiện diện quân sự của Mỹ và NATO ở Trung và Đông Âu, làm thay đổi cân bằng quân sự.

Lý do thứ hai của những động thái này của Nga nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới NATO rằng chính sách chiến tranh hỗn hợp chống Nga là rất nguy hiểm bởi NATO đang gia tăng khối lượng, quy mô và chất lượng viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo quan điểm Nga, NATO muốn làm cho Nga bị đánh bại về mặt chiến lược.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và các thành viên NATO đã tăng cường cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, khởi động quá trình hiện đại hóa quân sự của các lực lượng châu Âu, tăng cường hiện diện quân sự ở Trung và Đông Âu.

NATO cam kết có thể triển khai ít nhất 300.000 quân ở Trung và Đông Âu, đồng thời đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Ba Lan, các nước Baltic, Romania và các quốc gia Trung và Đông Âu khác. Ngoài ra, NATO đã tuyên bố đặt mục tiêu chi tiêu quân sự tối thiểu tương đương 2% GDP đối với các nước NATO. Tháng trước, Anh đã cam kết cung cấp cho Ukraine một đội xe tăng chiến đấu Challenger 2, cũng như đạn dược, trong đó có cả đạn xuyên giáp chứa urani nghèo.

Để đối phó với các động thái trên của NATO, một số lượng hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander đã được gửi tới Belarus cùng với các hệ thống phòng không S-400 vào cuối tháng 12/2022 nhằm tăng cường sức mạnh và hiệu quả của hệ thống phòng không chung Nga - Belarus.

Vào ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M đã được chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang Belarus. Một số máy bay tấn công của Belarus đã được trang bị thêm khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Công việc huấn luyện các đơn vị Belarus đã bắt đầu từ ngày 3/4 tại Nga. 

Tuyên bố của ông Shoigu được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ Nga và Belarus đã nhất trí triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.

Các mối đe dọa đối với Belarus

Chú thích ảnh
Thành viên của Lực lượng Biên phòng Ukraine canh gác tại trạm kiểm soát Senkivka gần biên giới với Belarus và Nga ở vùng Chernihiv, Ukraine ngày 16/2/2022. Ảnh: Reuters

Ngoài hai lý do trên, các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng mà Ba Lan gây ra với Belarus cũng đóng vai trò quan trọng khiến Nga và Belarus đưa ra quyết định trên.

Theo nhà phân tích quân sự Nga Vladislav Shurygin, thực tế là Quân đội Ba Lan đã được tăng cường, khiến Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Belarus cho rằng Ba Lan đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Trong thời kỳ xảy ra bất ổn năm 2020 ở Belarus, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cáo buộc giới chức Ba Lan, Litva, Ukraine và Cộng hòa Séc tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính. Theo một số chuyên gia, trong hơn 30 năm qua, Ba Lan đã tìm cách tác động đến dư luận Belarus.

Theo ông Shurygin, ngoài các mối đe dọa từ Ba Lan, Belarus cũng đang phải đối mặt với thách thức từ Ukraine khi nước này đã triển khai một nhóm mạnh ở biên giới với Belarus. Không chỉ thế, quân đội NATO đóng ở các nước vùng Baltic cũng là mối đe dọa đối với Belarus. Do đó, cả ba mối đe dọa này đều đòi hỏi Quân đội Belarus phải cải thiện và tăng cường khả năng chiến đấu.

Quan điểm của phương Tây

NATO, EU và Ukraine đã đồng loạt chỉ trích kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus của Moskva.

Chú thích ảnh
Ông Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 27/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT (Nga), ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố khối này sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Belarus triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ nước này. Ông Borrell nói: “Belarus triển khai vũ khí hạt nhân của Nga là hành vi leo thang vô trách nhiệm và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu. Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là lựa chọn của họ. EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của NATO, bà Oana Lungescu, nói: “NATO rất cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong trạng thái hạt nhân của Nga khiến chúng tôi phải điều chỉnh trạng thái hạt nhân của liên minh”.

Về phần mình, ngày 26/3, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nói rằng kế hoạch của Nga sẽ gây bất ổn cho Belarus.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/3 cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được đưa đến Belarus. Ông Putin nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân được chuyển đến Belarus sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Theo nhà lãnh đạo Nga, không có gì bất thường khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. Mỹ đã làm như vậy trong nhiều thập kỷ bằng cách giữ vũ khí hạt nhân của họ ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Đức vẫn giữ khoảng 20 quả bom trọng lực hạt nhân B-61 của Mỹ tại Căn cứ Không quân Büchel.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ vẫn còn nằm ở 6 căn cứ tại 5 quốc gia thành viên NATO: Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp lại sự chỉ trích của phương Tây, ông Vasily Nebenzya, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh rằng Nga không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Máy bay Ukraine rơi ở vùng biên giới Nga, phi công bị biên phòng Nga giam giữ
Máy bay Ukraine rơi ở vùng biên giới Nga, phi công bị biên phòng Nga giam giữ

Theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), chiếc máy bay này bị rơi ở vùng Bryansk của Nga gần Ukraine, phi công cố gắng trốn thoát trở lại Ukraine nhưng bị một đội tuần tra biên giới bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN