Mục tiêu đầy tham vọng của Bỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU năm 2024

Bỉ sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào ngày 1/1/2024. Nước này có một chương trình nghị sự đầy tham vọng được vạch ra trước khi EU và Bỉ chuyển sang chế độ vận động trước bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Ngoại trưởng Hadja Lahbib chuẩn bị cho chức chủ tịch Hội đồng EU. Ảnh: DW

Khi được hỏi điều gì khiến Bỉ đặc biệt phù hợp để đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào tháng 1/2024, Ngoại trưởng Hadja Lahbib theo chủ nghĩa tự do đã nói rằng "thỏa hiệp theo phong cách Bỉ là bí mật của chúng tôi". Tại buổi thuyết trình tháng 12 về chương trình nghị sự liên quan đến cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của Bỉ, bà Lahbib nói thêm rằng "chúng tôi giỏi tìm giải pháp hơn là tạo ra vấn đề".

Ngoại trưởng Lahbib, người đến từ vùng Wallonia nói tiếng Pháp, chỉ mới tham gia chính trường cách đây một năm rưỡi sau khi làm phóng viên truyền hình. Bà mô tả Bỉ là một "quốc gia đa ngôn ngữ, đa sắc tộc với nhiều ý tưởng" vốn quen với việc thảo luận và tìm kiếm sự thỏa hiệp. 

Khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, Bỉ có trách nhiệm hoàn tất hơn 100 dự án lập pháp nổi bật ở EU cùng với Nghị viện châu Âu cho đến cuối tháng 4. Trong số đó có những nỗ lực cải cách quy trình tị nạn trong khối và điều chỉnh luật liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Vào cuối tháng 4/2024, Nghị viện châu Âu sẽ họp phiên họp toàn thể cuối cùng trước khi cuộc bầu cử châu Âu được tổ chức vào tuần đầu tiên của tháng 6. Bất kỳ dự án lập pháp nào chưa được hoàn thành trước thời điểm đó sẽ phải được Nghị viện châu Âu tiếp theo và Ủy ban EU mới thành lập giải quyết vào mùa thu.

Thời gian đang cấp bách

Chính phủ Bỉ do đó có rất ít thời gian. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, người đến từ vùng Flanders nói tiếng Hà Lan của Bỉ, muốn thúc đẩy việc thông qua các luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu xanh nền kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của châu Âu. Ông De Croo nói rằng người châu Âu mong đợi EU sẽ mang lại kết quả quan trọng trước cuộc bầu cử châu Âu.

“Điều đó có nghĩa là bảo vệ người dân của chúng tôi, củng cố nền kinh tế của chúng tôi, chuẩn bị cho một tương lai chung. Đối với Bỉ, đây là lần thứ 13 chúng tôi đảm nhận chức vụ chủ tịch, chúng tôi biết mình đang làm gì. Tôi tin rằng chúng tôi có khá nhiều kinh nghiệm”, Thủ tướng De Croo nói, tóm tắt chương trình nghị sự của Bỉ trên cương vị Chủ tịch Hội đồng EU. 

Tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 1/2/2024, Chính phủ Bỉ phải nỗ lực xây dựng chương trình ngân sách dài hạn của EU, bao gồm 50 tỷ euro (55,3 tỷ USD) viện trợ cho Ukraine đang bị xung đột tàn phá. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12 năm ngoái, Hungary đã ngăn chặn điều này bằng quyền phủ quyết.

Ông De Croo nêu rõ: “Điều quan trọng là chúng tôi thể hiện sự ủng hộ liên tục của mình đối với Ukraine”, lưu ý rằng "sự đoàn kết sẽ có tầm quan trọng đặc biệt để quyết định thành công chung của EUtrong nhiều thách thức phía trước". Tuy nhiên, ông không nói rõ sẽ thay đổi quan điểm của Thủ tướng Hungary Viktor Orban như thế nào.

Bỉ cũng muốn tập trung vào việc mở rộng khối và chuẩn bị cho EU tiếp nhận các thành viên mới, theo Ngoại trưởng Lahbib. Nhưng không rõ liệu các cuộc đàm phán liên chính phủ đầu tiên về việc đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova có diễn ra vào nửa đầu năm 2024 hay không. 

Làm việc với Hungary vốn theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu là khó, nhưng hợp tác là cần thiết vì Hungary sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào nửa cuối năm 2024, sau Bỉ. 

Theo Janis Emmanouilidis thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu, EU không thể tiếp tục hoạt động như trước. Ông cho biết tại một sự kiện vào tháng 12 rằng các cuộc thảo luận về cơ chế nội bộ và các mục tiêu chính sách đối ngoại chiến lược của EU là rất cần thiết. Chuyên gia Emmanouilidis lập luận rằng năm tới sẽ đặt ra nhiều thách thức tiềm tàng cho khối, trong số đó có thể xảy ra sự chệch hướng cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở châu Âu và khả năng tái đắc cử của Donald Trump ở Mỹ.

Tuy nhiên, khi Bỉ chuẩn bị cho nhiệm kỳ sáu tháng nắm quyền lãnh đạo Hội đồng EU, sự chú ý chính trị của nước này đã dồn vào một ngày khác: ngày 9/6, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo của Bỉ. Do đó, một số nhà báo Bỉ nghi ngờ Chính phủ nước này có đủ sức mạnh để thực hiện chương trình nghị sự đầy tham vọng của mình vì các cuộc bầu cử ở trong nước sẽ được tổ chức cùng với cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6. Hiện chưa rõ liệu chính phủ liên minh bảy đảng của Bỉ có thể tiếp tục nắm quyền hay không.

Bóng ma về sự trỗi dậy của phe cực hữu, đặc biệt là sau chiến thắng của phe cực hữu ở nước láng giềng Hà Lan, đang gây thêm áp lực chính trị lên đất nước 11,6 triệu dân với cơ cấu chính phủ phức tạp. 

Liên minh này bao gồm Đảng Xã hội, Đảng Xanh, Đảng Tự do và Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nhưng đang tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò. Mặt khác, các đảng cánh hữu đang trỗi dậy. Sự trỗi dậy của họ có thể khiến việc thành lập chính phủ trở nên phức tạp hơn. Sau cuộc bầu cử vừa qua, phải mất gần 500 ngày để liên minh hiện tại được hình thành.

Mặc dù vậy, Thủ tướng De Croo không tin rằng chiến dịch bầu cử trong nước sẽ làm phức tạp hoặc ảnh hưởng đến chức Chủ tịch Hội đồng EU của Bỉ, mặc dù bản thân ông khó có thể trở lại làm người đứng đầu chính phủ vì đảng của ông, Đảng Tự do Flemish, đã "tụt dốc" trong các cuộc thăm dò.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo DW.com)
Đức khẳng định EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine 
Đức khẳng định EU tiếp tục hỗ trợ Ukraine 

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "trong mọi trường hợp", bất chấp sự phản đối từ Hungary. Lời khẳng định này được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra ngày 28/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN