Nhật-Ấn "hành động phía đông" đối phó Trung Quốc

Theo Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, Thủ tướng nước này Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đang hy vọng phát triển phiên bản "Con đường Tơ lụa" của chính hai nhà lãnh đạo này nhằm đối phó với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mở rộng của Trung Quốc ở khu vực Á - Âu và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố được đưa ra tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và Thủ tướng Abe ở thủ đô New Delhi vừa qua, hai nhà lãnh đạo này đều hướng tới “sự kết hợp giữa chính sách 'Hành động phía Đông' của Ấn Độ và 'Mối quan hệ đối tác cho cơ sở hạ tầng chất lượng (PQI)' của Nhật Bản”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại New Delhi hồi giữa tháng 12.


Mặc dù PQI chưa bao giờ được dư luận chú ý như sáng kiến 'Một vành đai, một con đường', song ông Abe đang đánh cược rằng các điều khoản tài chính hấp dẫn và chất lượng đầu tư cao có liên quan tới PQI của Nhật Bản sẽ bù đắp được cho sự thiếu vắng lời mời gọi hấp dẫn như các sáng kiến Con đường Tơ lụa của Trung Quốc. PQI của Thủ tướng Abe có thể không sâu rộng như tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này muốn mở rộng các mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường ống khí đốt khắp khu vực Á - Âu và thúc đẩy kết nối hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, song Nhật Bản - với kinh nghiệm nhiều hơn trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước khác - cuối cùng cũng bắt đầu đưa ra một không gian chiến lược cho gói hỗ trợ kinh tế hải ngoại rất lớn của mình.

Ấn Độ đã theo dõi thận trọng khi ông Tập Cận Bình đưa ra những kế hoạch mạnh mẽ để phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 46 tỷ USD chạy qua dãy Karakoram tới Biển Arập. Ấn Độ cũng khéo léo đề xuất xây hành lang của cái gọi là "K2K" nối Kolkata ở vùng tiểu lục địa phía Đông với thủ phủ Côn Minh ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua Bangladesh và Myanmar. Tuy nhiên, New Delhi cũng lo ngại về việc Bắc Kinh hiện đại hóa nhanh chóng cơ sở giao thông ở khu vực Tây Tạng và kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sá và đường sắt sang Nepal và Bhutan.

Mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh mẽ với ông Abe sẽ cho phép ông Modi phản ứng hiệu quả hơn với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Thỏa thuận giữa ông Abe với ông Modi về việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nối Ahmedabad và Mumbai là sự thúc đẩy chiến lược xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Nhật Bản. Tokyo gần đây đã mất gói thầu dự án đường sắt cao tốc ở Indonesia và họ không hài lòng với việc Bắc Kinh lấy mất các hợp đồng tương tự ở Thái Lan.

Điểm mấu chốt của vấn đề là sự khác biệt lớn giữa các kế hoạch của Trung Quốc và Nhật Bản. Các kế hoạch của Trung Quốc, về bản chất, là kết nối nền kinh tế lục địa của nước này với các nước láng giềng nhỏ hơn của Ấn Độ. Tất cả con đường trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đều dẫn tới Trung Quốc. Trái lại, Tokyo lại sẵn sàng thúc đẩy sự hội nhập của Ấn Độ với các nước láng giềng ở vùng tiểu lục địa và ngoài khu vực này. Nếu New Delhi có thể bổ sung các dự án đáng tin cậy cho kết nối kinh tế vùng của mình ở trong và khắp vùng tiểu lục địa, nước này có thể dựa vào sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Vấn đề quan trọng là những điều khoản tài chính rất hấp dẫn mà Nhật Bản đề nghị cấp cho hệ thống đường sắt cao tốc trị giá 15 tỷ USD nối Ahmedabad và Mumbai. Nhật Bản cũng đề nghị cung cấp 12 tỷ USD với lãi suất rất thấp, cơ chế thanh toán tự do và cam kết sản xuất một số thiết bị ở Ấn Độ. Những điều khoản này chắc chắn sẽ hào phóng hơn so với các điều khoản của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của phía Trung Quốc.

Liên quan tới những đồn đoán về nạn tham nhũng trong các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho các công ty Trung Quốc, ông Modi và ông Abe khẳng định họ sẽ thúc đẩy “các mạng lưới công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực với môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và minh bạch trong khu vực”.
Huy Bình (P/v TTXVN tại Ấn Độ)
Con đường Tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc
Con đường Tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc

"Diễn đàn Đông Á" số mới ra cho rằng sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" (OBOR) của Trung Quốc là vô cùng tham vọng và có lẽ Bắc Kinh cũng đang bắt đầu nhận ra tham vọng đó lớn đến nhường nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN