Những thách thức quốc phòng với châu Âu 

Nhìn chung, nhiều người nhất trí rằng châu Âu cần chi nhiều hơn cho quốc phòng, nhưng vẫn còn câu hỏi về việc có thể đạt được điều này bao nhiêu và nhanh như thế nào.

Chú thích ảnh
EU đang gặp khó khăn trong việc tăng cường sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng ở Ukraine và ngày càng có nhiều câu hỏi về tương lai hỗ trợ của Mỹ. Ảnh: DW

Theo tờ The Guardian (Anh), châu Âu đang gặp thách thức về quốc phòng khi họ phải vật lộn với cách tăng cường sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng ở Ukraine và ngày càng có nhiều câu hỏi về tương lai hỗ trợ của Mỹ.

Khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3 và lo ngại gia tăng về cam kết của Mỹ với NATO, các chính trị gia, nhà ngoại giao và chuyên gia châu Âu phần lớn đều đồng ý rằng châu Âu cần phải tự lực nhiều hơn nữa về quốc phòng. Chủ đề đầy thách thức này chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự khi khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu tập trung tại Paris vào ngày 26/2 để gửi một thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin về quyết tâm của EU.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu đã tăng cường chi tiêu quốc phòng, vẫn chưa rõ liệu các nước sẽ có ý chí chính trị đến mức nào để tiến xa hơn - và điều gì thực sự thực tế đối với các quốc gia trong nhiều thập kỷ đã dựa vào Mỹ làm nhà bảo đảm an ninh cho họ.

Jim Townsend, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về chính sách châu Âu và NATO, cho biết: “Ngay lúc này, liệu châu Âu có khả năng lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ có thể để lại không? Câu trả lời là không. Châu Âu biết điều đó, ngành công nghiệp châu Âu biết điều đó, Tổng thống Putin biết điều đó”.

Trong giới chính sách quốc phòng châu Âu, các quan điểm bị chia rẽ về những gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đặc biệt trước những bình luận gần đây của ông Donald Trump rằng, nếu tái đắc cử, ông sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO không đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng.

Khi được hỏi các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo ngại đến mức nào về tác động của việc ông Trump trở lại nắm quyền, một quan chức quốc phòng cấp cao của châu Âu cho biết: “Rất nhiều. Hiện có rất nhiều điều đang được xem xét và đề xuất liên quan đến việc tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine trong trường hợp Mỹ rút lui”.

Một số người khác đã có cái nhìn lạc quan hơn. Hanno Pevkur, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi không tin rằng sẽ có một sự thay đổi quá lớn, bởi vì tôi thực sự tin rằng Mỹ quan trọng đối với các đồng minh châu Âu bao nhiêu thì các đồng minh châu Âu cũng quan trọng đối với Mỹ bấy nhiêu”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho rằng bất chấp những nhận xét của ông Trump, cuộc xung đột ở Ukraine là “lời cảnh tỉnh đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới và đặc biệt là châu Âu”.

“Châu Âu thực sự cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. Điều đó có nghĩa là cần một khoản đầu tư tài chính lớn. Đây thực sự là những gì chúng tôi đang làm ngay bây giờ. Đầu tư quốc phòng ở châu Âu đã tăng đáng kể”, bà Kajsa Ollongren nêu rõ.

NATO đã công bố trong tháng này rằng 18 thành viên của liên minh đã đặt ra mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay. Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của các nước NATO ở châu Âu và Canada đã tăng 11%.

Trong khi đó, EU đã chi hàng tỷ USD vào một quỹ hoàn trả một phần cho các quốc gia thành viên liên quan đến viện trợ cho Ukraine. EU và NATO cũng đã đưa ra các kế hoạch nhằm giúp thúc đẩy sản xuất quốc phòng, với việc Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ công bố chiến lược công nghiệp quốc phòng mới của châu Âu trong những tuần tới.

Nhưng vẫn còn những thách thức, theo chuyên gia Townsend, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới. Ông Townsend lưu ý: Ngân sách đang tăng lên, nhưng một số quốc gia “cần phải chi hơn 2% GDP - hơn 2% rất nhiều, như Đức - để chuẩn bị cho lực lượng của họ”.

Ông Townsend nhận xét thêm rằng năng lực công nghiệp quân sự vẫn chưa đáp ứng yêu cầu: “Ngành công nghiệp này quá nhỏ so với châu Âu và Mỹ cũng gặp phải vấn đề tương tự - ngay cả khi có tiền và ý chí chính trị, ngành công nghiệp (vũ khí) sẽ không thể cung cấp ở quy mô lớn những gì cần thiết và vì vậy có thể mất nhiều năm để giao hàng".

Trong thời gian qua, mặc dù EU đã cung cấp cho Ukraine nhiều đạn dược hơn nhưng khối này đã không cung cấp như nhiều người mong đợi về tốc độ và số lượng.

Ủy viên châu Âu Thierry Breton, người đang giám sát các nỗ lực thúc đẩy sản xuất quốc phòng, cho biết chiến lược mới của châu Âu, đi kèm với chương trình công nghiệp quốc phòng của EU, sẽ hướng tới một cách tiếp cận “lâu dài hơn, rộng hơn về phạm vi và ngân sách, đồng thời có tác động mang tính cơ cấu đối với ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu”.

Ủy viên Breton cho biết EU đã “đạt khả năng sản xuất” hơn 1 triệu viên đạn pháo/năm (mặc dù vào năm 2023, EU đã không đạt được mục tiêu đó). Ông nêu rõ việc sản xuất sẽ đạt 1,5 triệu viên đạn pháo vào cuối năm 2024 và 2 triệu viên vào năm tới.

Nhưng cả các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đều cho rằng cần phải khẩn trương hơn. Camille Grand, cựu Trợ lý Tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, cho biết ông “lạc quan về trung hạn nhưng lo lắng trong ngắn hạn, vì có một số việc cực kỳ cấp bách phải làm khi liên quan đến Ukraine”. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Châu Âu đối mặt với áp lực mới khi xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3
Châu Âu đối mặt với áp lực mới khi xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3

Trong bối cảnh cuộc xung đột không có hồi kết và bị chi phối bởi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông - cũng như những lo ngại nội bộ về các cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát gây ra trên khắp thế giới - việc chi những khoản tiền lớn cho Ukraine sẽ là áp lực lớn về mặt chính trị với các chính phủ ở châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN