Tổng thống Trump hợp tác với Tổng thống Assad - Cách duy nhất chấm dứt xung đột Syria?

Liệu rằng khi không có đối tác thay thế, Tổng thống Mỹ Donald Trump có buộc phải hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad?

Tổng thống Donald Trump (trái) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: Gettyimages

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, quân đội Mỹ đã tiến hành một số vụ tấn công nhằm vào quân đội Syria và các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, cả vì mục đích tự vệ và tấn công có chủ ý. Những vụ tấn công này mâu thuẫn với cam kết rằng cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là “ưu tiên cao nhất” của ông Trump.

Vụ phóng hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat để đáp trả vụ việc mà Mỹ cho là Syria sử dụng vũ khí hóa học đã làm thiệt hại đáng kể các tài sản quân sự của Không quân Arab Syria (SYAAF).

Trên thực tế, hầu hết các máy bay bị phá hủy trong cuộc không kích này đều được dùng trong cuộc chiến chống IS ở khu vực, cho phép quân đội Syria giành kiểm soát thành cổ Palmyra, các mỏ dầu và các khu vực khác ở tỉnh Homs, miền trung Syria. 

Bởi vậy, IS mới chính là bên được lợi nhất trong các vụ tấn công của Mỹ nhằm vào quân đội Syria.

Mặc dù cơ cấu của phe đối lập Syria đã thay đổi kể từ khi ông Trump nhậm chức khi nhiều nhóm đã được sáp nhập hay đổi tên, nhưng vấn đề cơ bản vẫn tồn tại. Ngoại trừ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), hầu hết các nhóm “phiến quân ôn hòa” thiếu tính đa dạng tôn giáo và có một số chương trình nghị sự Hồi giáo, trong đó phần lớn là nhằm thiết lập luật Sharia. Điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn tới việc bức hại các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Syria vốn bị nhiều nhóm đối lập tham gia vào xung đột Syria cho là dị giáo. Một số nhóm đối lập ở Syria này nhận được sự hỗ trợ của Mỹ.

Kể cả theo quan điểm của Mỹ, cho phép các nhóm như vậy lật đổ và thế chỗ chính quyền của ông Assad không phải là một kết quả tốt. Mặc dù các nhóm đối lập Syria không chủ động tìm cách thiết lập một vương quốc toàn cầu; nhưng một khi các nhóm này thiết lập chính quyền Syria, họ sẽ có thể theo đuổi nhiều mục tiêu tham vọng hơn, có thể là nhằm mục tiêu vào Mỹ và châu Âu.

Phe đối lập cũng bị chia rẽ nặng nề và có một tương lai không thể đoán định khi các cuộc giao tranh thường xuyên xảy ra. Điều này ngày càng khiến dư luận hoài nghi về khả năng phe đối lập có thể lãnh đạo Syria và duy trì sự ổn định quốc gia Trung Đông này.

Dựa vào những lý do trên, có thể kết luận rằng hầu hết các nhóm đối lập ở Syria không phải là đối tác thích hợp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lực lượng SDF dường như là một sự thay thế khả thi. Mối quan hệ tốt đẹp của SDF với Mỹ trong suốt cuộc chiến tại Syria đã chứng minh điều này. Tuy nhiên, sử dụng SDF để chấm dứt xung đột Syria cũng có những lo ngại.

Thứ nhất, mặc dù SDF tuyển mộ thêm nhiều tay súng Arab và thậm chí thay đổi tên, nhóm này vẫn do các thành viên người Kurd lãnh đạo. Điều này đặt ra câu hỏi về tính thích hợp khi họ giành lại và cai trị toàn bộ lãnh thổ Syria, bởi chắc chắn đó sẽ là xung đột lợi ích do họ có tham vọng đạt được quyền tự trị. Dĩ nhiên, SDF không trực tiếp thể hiện sẽ sẵn sàng hoặc quan tâm tới điều này. Trong bất cứ trường hợp nào, tìm cách chiếm hết lãnh thổ nằm dưới kiểm soát của quân đội Syria và các đồng minh chắc chắn sẽ dẫn tới việc phá hủy những cơ sở hạ tầng còn sót lại của Syria, dân thường phải rời bỏ nhà cửa và thương vong tăng cao.

Mặc dù cuộc chiến chống IS cũng sẽ gây ra thiệt hại tương tự, nhưng SDF giành quyền kiểm soát Syria sẽ khiến thiệt hại có quy mô lớn hơn, khi hầu hết cơ sở hạ tầng còn lại của Syria nằm trong các khu vực do lực lượng ủng hộ chính phủ Syria kiểm soát. Hơn thế nữa, hơn 60% dân số sống trong các khu vực do chính quyền của ông Assad quản lý, bao gồm nhiều thành phố đông dân cư, chẳng hạn như thủ đô Damascus, nơi có khoảng 6 triệu người Syria.

Do thiếu một giải pháp thay thế phù hợp, các cuộc tấn công của ông Trump nhằm vào các tài sản và cơ sở của quân đội Syria chỉ làm giảm khả năng của một trong những đối thủ chính của IS, và là lực lượng duy nhất có thể đặt dấu chấm cho cuộc xung đột Syria.

Liệu rằng, khi không có đối tác phù hợp, Tổng thống Donald Trump sẽ phải hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad?

Theo tác giả bài phân tích trên Sputnik, lựa chọn hợp tác với Nga và các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria, hay chí ít là không thường xuyên tấn công họ, là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột Syria với một kết quả khả quan, không chỉ dành cho Syria mà cho sự ổn định của một khu vực rộng lớn hơn và an ninh của phương Tây.

Trần Minh/Báo Tin Tức
'Kẻ hủy diệt 2' của quân đội Nga xuất hiện trên chiến trường Syria
'Kẻ hủy diệt 2' của quân đội Nga xuất hiện trên chiến trường Syria

Một trong những vũ khí tân tiến nhất của Nga, xe chiến đấu yểm trợ tăng BMPT-72 “Kẻ hủy diệt 2” đã hiện diện trước Tổng thống Bashar al-Assad tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN