Tranh cử Tổng thống Mỹ độc lập, người con gia tộc Kennedy liệu có làm nên chuyện?

Robert F. Kennedy Jr., người con trai gây tranh cãi của Bobby Kennedy, đã chọn bang Utah để khởi động cuộc tranh cử độc lập vào Nhà Trắng vào năm 2024.

Chú thích ảnh
Ông Robert F. Kennedy Jr. trong bài phát biểu tại Nhà hát Wilshire Ebell ở Los Angeles, California, vào tháng 9/2023. Ảnh: Getty Images

Theo tờ El Pais, nền chính trị Mỹ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thế giới giải trí. Tối 30/11, khoảng 500 người đã tập trung tại một hộp đêm ở Thành phố Salt Lake để nghe Robert F. Kennedy Jr. - luật sư môi trường và nhà hoạt động chống vaccine gây tranh cãi, là con thứ ba trong số 11 người con của cố Thượng nghị sĩ Bobby Kennedy. Ông Kennedy đã chọn Utah để khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.

Vài phút trước khi ông cầm micro, Rufus McGee, một nhà tài chính 41 tuổi, đã khui một lon bia với thái độ của một người mong được chứng kiến cảnh tượng có thể khiến ông vừa buồn vừa phấn khích. “Một số chính sách của ông ấy không phù hợp với thực tế. Kennedy gây ấn tượng với tôi như một chàng trai đến từ nơi xa lạ và nói chuyện mà chẳng quan tâm nhiều đến việc mọi người sẽ nghĩ gì về ông ấy”, McGee nhận xét.

Ông McGee đến hộp đêm Sky như một cử tri “bơ vơ”. Ông là một trong hàng triệu cử tri không biết nên ủng hộ ai trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, giữa ứng viên Joe Biden, 81 tuổi và Donald Trump, 77 tuổi. Cả McGee và bạn gái của ông, Chris, 45 tuổi - kỹ sư xe lửa, đều là đảng viên Đảng Cộng hòa đã đăng ký. Đó là cách duy nhất để tiếng nói của họ được lắng nghe ở Utah, một bang đã kiên quyết ủng hộ cho những người Cộng hòa ôn hòa kể từ năm 1985. Nhưng cặp đôi có một điều chắc chắn: họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. 

Trong bối cảnh đó, ông Kennedy, 69 tuổi, nổi lên như một sự thay thế hấp dẫn. Ông mang họ của một trong những triều đại chính trị nổi bật nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng cái tên dòng họ Kennedy không đại diện cho tính liên tục của những gì mà nó tượng trưng. Một bộ phận người thân trong chính gia đình Kennedy đã quay lưng lại với nguyện vọng của ông. “Ông ấy có vẻ quan tâm đến việc giành được phiếu bầu từ những người tin rằng có âm mưu ám sát John F. Kennedy hơn là theo bước Tổng thống Kennedy và cha của ông ấy… Tôi không thể không nghĩ rằng nếu JFK hoặc anh trai RFK còn sống , thì việc ứng cử này có vẻ khủng khiếp đối với họ, và họ sẽ thúc giục ông ta rời khỏi cuộc đua”, ông Thomas Maier, tác giả cuốn "The Kennedys: America's Emerald Kings” (năm 2004), cho biết. Ông nói thêm: “Trớ trêu thay, cách duy nhất mà ông ấy có thể giúp đỡ Đảng Dân chủ trong năm nay, là tước bỏ phiếu bầu dành cho ông Trump khỏi những người ủng hộ cánh hữu nghiện thuyết âm mưu”.

Chú thích ảnh
Robert F. Kennedy Jr. - một người con của gia tộc Kennedy danh tiếng quyết định bước vào đường đua tới Nhà Trắng. Ảnh: PBS

Amaryllis Fox, người quản lý chiến dịch tranh cử và cũng là con dâu của ông, cho biết RFK Jr. đang dẫn đầu trong nhóm cử tri trẻ. Theo một cuộc thăm dò của Quinnipiac, ông đặc biệt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong số các cử tri từ 18 đến 34 tuổi, 38% trong số họ ủng hộ ông. Cuộc thăm dò này cũng tuyên bố rằng Kennedy sẽ giành được 22% phiếu bầu nếu ông ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập trong cuộc đua ba bên (ông Biden sẽ giành được 39% và ông Trump 36%). \

Trong 60 phút mít tinh ở Utah, ứng cử viên tổng thống đã đề cập hết chủ đề này đến chủ đề khác: từ cuộc khủng hoảng vô gia cư ở San Francisco; vụ kiện mà ông đã đưa ra chống lại tập đoàn hoá chất Monsanto; cuộc khủng hoảng ở biên giới Mexico… Ngoài ra, Kennedy còn tin rằng hàng tỷ USD đã bị lãng phí trong đại dịch; đề cập đến lòng tham của các công ty đầu tư BlackRock, Blackstone và Vanguard; hay việc lạm dụng thuốc nổ trong khai thác mỏ ở Tây Virginia, cùng các chủ đề khác.

Kennedy đã nỗ lực hết sức để giải quyết các vấn đề thu hút cả cánh hữu lẫn cánh tả. Với những người tiến bộ, ông hứa hẹn về chủ nghĩa bảo vệ môi trường. Đối với những người bảo thủ, thì là chủ trương giảm bớt các quy định và đóng cửa các cơ quan giám sát của chính phủ. Xuyên suốt bài phát biểu của ông là nỗi hoài niệm về một nước Mỹ đã không còn - nước Mỹ mà người chú của ông đã giúp tạo dựng, ý nói đến cố Tổng thống John F. Kennedy. Ông nói trong bài phát biểu: “Giấc mơ Mỹ, giấc mơ mà bạn có thể đạt được bằng cách làm việc chăm chỉ và tuân thủ luật lệ, là một lời hứa không thể giữ được nữa”. “Niềm tin vào nước Mỹ đã bị mất”, ông nói ở một địa điểm vận động khác.

Chú thích ảnh
John F. Kennedy, một thành viên dòng họ Kennedy từng là Tổng thống Mỹ trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Ông bị ám sát năm 1963. Ảnh: Getty Images

Đội ngũ tranh cử quyết tâm đưa ông Kennedy vào các cuộc bỏ phiếu ở tất cả 50 tiểu bang trên khắp đất nước. Nỗ lực này đòi hỏi khoản đầu tư khoảng 15 triệu USD. Đó là lý do Utah được chọn làm điểm xuất phát. Tiểu bang này có yêu cầu thấp nhất: ông Kennedy chỉ cần có được 1.600 chữ ký trước ngày 8/1/2024. Ở các bang như California, thách thức lớn hơn nhiều, vì ông sẽ cần ít nhất 1% chữ ký của cử tri đã đăng ký, tức là khoảng 219.000 người.

Cô Vivian, 32 tuổi, đã trở thành người thu thập chữ ký tình nguyện cho ứng viên Kennedy. Cô đã không bỏ phiếu vào năm 2020, vì mất niềm tin vào nền chính trị Mỹ khi Thượng nghị sĩ cấp tiến Bernie Sanders mà cô yêu quý không trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Năm nay cô cũng không có ý định bỏ phiếu nếu Kennedy không tham gia cuộc đua. Cô nói: “Tôi không sẵn sàng lựa chọn giữa cái ít tệ hơn trong hai cái tệ”.

Đêm 30/11, cô tham dự cuộc mít tinh chính trị đầu tiên và dẫn theo một người bạn. Cả hai đều bị ấn tượng bởi hàng loạt vấn đề và cách Kennedy đứng lên chống lại những gã khổng lồ như Monsanto và BlackRock. Cô nói: “Tôi nghĩ ông ấy có thể bảo vệ chúng tôi khỏi mọi thứ họ muốn lấy đi của chúng tôi”.

Mặc dù có sự lạc quan trong chiến dịch của RFK Jr., các chuyên gia bầu cử vẫn tỏ ra hoài nghi. Một nhóm các nhà khoa học chính trị có uy tín tại Đại học Virginia nghi ngờ ứng cử viên độc lập này có thể duy trì được sức hút một khi ngày bầu cử đến gần. “Các ứng cử viên của bên thứ ba có nhiều sức mạnh trong các cuộc thăm dò hơn là về hiệu quả hoạt động thực tế”, chuyên gia Kyle Kondik viết. “Sự ác cảm của cử tri đối với hai ứng cử viên chính có thể làm tăng số lượng trên giấy tờ một cách giả tạo”. Ông lấy ví dụ về ứng viên tự do Gary Johnson và Green Jill Stein. Trong các cuộc thăm dò hướng tới cuộc bầu cử năm 2016, họ lần lượt có 9% và 3% phiếu bầu. Nhưng sau đó, họ chỉ nhận được 3,3% và 1,1% trong cuộc bỏ phiếu thật.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hồ sơ mật: Bí ẩn bộ não biến mất của cựu Tổng thống Mỹ Kennedy
Hồ sơ mật: Bí ẩn bộ não biến mất của cựu Tổng thống Mỹ Kennedy

Làm thế nào bộ não của Tổng thống Kennedy lại biến mất. Câu hỏi đó đã khiến người Mỹ hoang mang không khác gì câu hỏi về kẻ thực sự đã ám sát vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN