Trung Quốc có thể giúp Nga 'chống đỡ' trước lệnh trừng phạt của phương Tây?

Hỗ trợ tài chính của Trung Quốc với Nga có thể sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn đến xu hướng xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Đường ống Sức mạnh Siberia dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine, Mỹ và phương Tây áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Giới phân tích tài chính và chuyên gia địa chính trị cho rằng Trung Quốc có thể sẽ là nhân tố giúp Nga chống đỡ các đòn trừng phạt này, kể cả là các vòng trừng phạt thắt chặt hơn trong thời gian tới.

Điểm mấu chốt chính là các thỏa thuận Nga-Trung về cung ứng năng lượng, nguyên liệu thô, hàng hóa, cùng với các khoản vay của Bắc Kinh thông qua các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. “Mức độ hỗ trợ của Trung Quốc đối với hành động của Nga có thể là nhân tố ảnh hưởng lớn, định hình diễn tiến khủng hoảng ở Ukraine”, Tom Rafferty, chuyên gia phân tích thuộc Economist Intelligence Unit nhận định.

Trong quá khứ, Trung Quốc từng cung cấp hỗ trợ tài chính lớn đối với Moskva tại những thời điểm Nga đối đầu gay gắt với phương Tây, nổi bật là sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014. Theo Jakub Jakobowski, chuyên gia cấp cao phụ trách Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu phương Đông có trụ sở ở Warsaw (Ba Lan), trừ khi phương Tây áp đặt tổn thất hữu hình nhằm vào Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ vẫn hỗ trợ Nga, dù có thể chỉ là âm thầm sau bức màn kín. Các ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc, vốn tách biệt hẳn với các ngân hàng thương mại, sẽ là thực thể chủ đạo đảm nhận hỗ trợ tài chính này.

Đến thời điểm này, Nga là khách hàng nhận được các khoản vay lớn nhất từ các thiết chế tài chính Trung Quốc, với tổng giá trị lên đến 151 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2017, theo dữ liệu của AidData, một đơn vị nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ. 86 tỉ USD trong số này là các khoản vay nợ ưu đãi, bán ứu đãi, phần lớn là đối ứng cho thanh toán hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ tương lai.

Đáng chú ý, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cùng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) là hai thực thể được cho là ít bị ảnh hưởng bởi đòn trừng phạt từ phương Tây, do không có nhiều lợi ích kinh doanh tại thị trường Mỹ. “Hai ngân hàng này ít tương tác với hệ thống đồng USD và có nhiều lựa chọn hơn trong hỗ trợ tài chính theo những cách thức khác biệt, ít bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt”, học giả Rafferty nhận định. Theo ông, các ngân hàng thương mại Trung Quốc vẫn phải cẩn trọng hơn trước đoàn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga, vì họ có hoạt động trên các thị trường tài chính, có liên kết với hệ thống đồng USD.

Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, khả năng lẩn tránh tác động trừng phạt của Trung Quốc trước phương Tây trong duy trì giao thương với Nga được củng cố thêm một bước. Đó là bởi hai nước đã giảm đáng kể việc sử dụng đồng USD trong thương mại song phương, thay vào đó là hình thức hoán đổi tiền tệ giữa nhân dân tệ và đồng ruble. Quan hệ kinh tế Nga-Trung có bước tiến vững chắc, với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 145 tỉ USD trong năm 2021, mức cao kỉ lục.

Hình thức hoán đồi tiền tệ này được thể hiện rõ trong các hợp đồng năng lượng gần đây. Khi Tổng thống Vladimir Putin gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi đầu tháng này, tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký hợp đồng dài hạn thứ hai về việc cung cấp 10 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên từ vùng Viễn Đông của Nga theo thời hạn 25 năm. Hợp đồng khí đốt này có thể mang lại khoảng 37,5 tỉ USD trong vòng 25 năm, nếu tính giá khí đốt trung bình là 150 USD/1.000 m3 như tại thời điểm ký kết.

Cùng lúc, tập đoàn dầu mỏ Rosneft (Nga) cũng ký một thỏa thuận với CNPC về cung cấp 100 triệu tấn dầu thông qua Kazakhstan trong vòng 10 năm, kéo dài thỏa thuận hiện hành. Rosneft cho biết thỏa thuận mới trị giá 80 tỉ USD. Nga và Trung Quốc cũng đang thảo luận về dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt thứ ba chạy qua Mông Cổ và có thể đi đến ký kết hợp đồng vào cuối năm nay.

Mặc dù vậy, giới phân tích cũng chỉ ra rằng giao dịch bằng đồng USD vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong hoạt động ngoại thương của Nga. Theo số liệu do Ngân hàng Trung ương Nga công bố, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch bằng đồng rouble chiếm 8,7% tổng giá trị trao đổi hàng hóa hai chiều Nga-Trung Quốc. Giao dịch bằng đồng euro và USD chiếm lần lượt 36,6% và 47,6%, 7,1% còn lại là các đồng tiền khác.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
Trung Quốc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Nga
Trung Quốc dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm nhập khẩu lúa mì của Nga

Trung Quốc đã dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm đối với lúa mì nhập khẩu từ Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang, cho thấy mối quan hệ giữa Moskva-Bắc Kinh đang được thắt chặt khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN