Xung đột Gaza: Từ khi nào bệnh viện mất đi sự bảo vệ đặc biệt theo luật chiến tranh?

Được bảo vệ đặc biệt theo luật nhân đạo quốc tế, vì đâu các bệnh viện ở Gaza lại rơi vào vòng xoáy xung đột?

Chú thích ảnh
Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại bệnh viện lớn nhất và tiên tiến nhất của Gaza đang liên tục hứng chịu những tiếng súng và pháo kích, người đứng đầu khoa phẫu thuật bác sĩ Marwan Abu Sada miêu tả Sifa đang trở thành một cái bẫy tử thần đối với hàng nghìn nhân viên y tế, thương bệnh binh và dân thường đang trú ẩn trong đó.

Quân đội Israel phủ nhận việc họ tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp hoặc bao vây Shifa.

Trong vòng xoáy xung đột mới nhất giữa Israel-Hamas, các bệnh viện ở vùng chiến sự phía Bắc Gaza ngày càng trở thành mục tiêu khi xe tăng Israel tiến vào trung tâm thành phố. Chúng cũng đã trở thành tiêu điểm trong các bản tin về cuộc chiến tại Trung Đông gần đây.

Trong khi Israel tuyên bố không có bằng chứng rằng các chiến binh Hamas sử dụng bệnh viện làm lá chắn thì người Palestine và các nhóm nhân quyền cáo buộc Israel liều lĩnh làm hại dân thường đang tìm nơi trú ẩn.

Các trận chiến xung quanh Shifa vào ngày 11/11 đã đặt ra một câu hỏi cấp bách: Kể từ khi nào mà các cơ sở y tế đã mất đi sự bảo vệ đặc biệt theo luật nhân đạo quốc tế?

Phía Israel nói gì?

Israel cáo buộc Hamas đã nguỵ trang các cứ điểm quân sự trong các bệnh viện, trường học và nhà thờ Hồi giáo. Theo Tel Aviv, những địa điểm nhạy cảm này sẽ thu hút sự chú ý và cảm thông của quốc tế đối với người Palestine.

Israel chỉ trích Hamas điều hành trụ sở chỉ huy của mình bên dưới khu phức hợp bệnh viện Sifa. Thậmchí, quân đội nước này còn công bố một bản đồ minh họa về Shifa được đánh dấu có các cơ sở của phiến quân dưới lòng đất mà không đưa ra thêm bằng chứng gì thêm. Lực lượng Hamas và Giám đốc Bệnh viện Shifa Mohammed Abu Selmia phủ nhận điều này.

Israel khẳng định sẽ truy đuổi các chiến binh Hamas dù họ ở bất cứ đâu, đồng thời nỗ lực cứu sống dân thường.

Người phát ngôn quân đội Israel, Trung tá Richard Hecht, cho biết: “Nếu chúng tôi thấy các tay súng Hamas nổ súng từ các bệnh viện, chúng tôi sẽ làm những gì cần làm”.

Tuần trước, Israel đã lên tiếng giải thích trước vụ đánh bom một đoàn xe cứu thương đang sơ tán bệnh nhân bị thương khỏi Shifa, cáo buộc đoàn xe này chở các chiến binh Hamas. Giám đốc bệnh viện Abu Selmia cho biết cuộc tấn công đó đã giết chết ít nhất 12 người ngoài cuộc.

Khi được hỏi về các vụ tấn công tại Shifa trong ngày 11/11, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho hay các lực lượng không bao vây bệnh viện Shifa mà vẫn để mở một lối thoát an toàn ở phía Đông của bệnh viện. Ông cho biết quân đội đã liên lạc với các quan chức bệnh viện và sẽ hỗ trợ chuyển trẻ em đang được điều trị ở đó đến một bệnh viện khác vào ngày12/11.

Các quan chức nhân đạo cho biết lực lượng Israel cũng đã giao tranh với phiến quân Hamas trên những con phố đầy vết tích của chiến tranh bên ngoài bệnh viện nhi Rantisi ở Gaza. Quân đội Israel cáo buộc họ đã xác định được các chiến binh Hamas ẩn náu trong đám đông dân thường ở Rantisi khi tràn vào khu vực này vào tuần trước. Một số phiến quân đã bỏ chạy sau khi quân đội mở hành lang sơ tán cho dân thường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bệnh viện Rantisi đã đóng cửa vào ngày 10/11 và không rõ có bao nhiêu người đã sơ tán.

Amos Yadlin, cựu Giám đốc cơ quan tình báo quân đội Israel, nói với Kênh 12 của Israel rằng cuộc chiến ngày càng khốc liệt ở Shifa và các bệnh viện khác tạo ra tình thế khó xử về đạo đức và quân sự cho nhữngngười đứng đầu.

“Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn có ý định xử lý các bệnh viện này. Ngày nay mọi người đều biết rõ rằng đó là trung tâm chỉ huy chủ chốt của Hamas”, ông Amos giải thích.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza ngày 7/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Người Palestine nói gì?

Trong suốt thời gian diễn ra giao tranh, các gia đình Palestine đã chạy khỏi những ngôi nhà bị ném bom vàtìm đến bệnh viện trú ẩn vì tin rằng chúng an toàn hơn các lựa chọn khác.

Kamal Najar, một người 35 tuổi trú ẩn tại Shifa cùng đứa con trai mới biết đi và con gái sơ sinh của mình, cho biết anh tin rằng đến một ngày, bệnh viện cũng không thể đến được.

“Đó là điều mà chúng tôi luôn mong không xảy ra”, Kamal nói qua điện thoại từ thành phố Deir al-Balah, sau khi thoát khỏi một cuộc tấn công vào bệnh viện với hàng chục nghìn người khác.

Cơ quan y tế ngày 11/11 cho biết khoảng 1.500 bệnh nhân, cùng với 1.500 nhân viên y tế và khoảng 15.000 người sơ tán vẫn còn mắc kẹt tại Shifa. Họ cho biết sự cố mất điện đã khiến bệnh viện Shifa chìm trong bóng tối và tắt các thiết bị cứu sinh, khiến một số bệnh nhân, trong đó có một trẻ sơ sinh nằm trong lồng ấp, tử vong.

Các nhân viên y tế Palestine cáo buộc Israel tiến hành cuộc tấn công tổng lực vào cơ sở hạ tầng để trừng phạt người dân và buộc họ phải đầu hàng. Tiến sĩ Ghassan Abu Sitta, một bác sĩ phẫu thuật người Anh gốc Palestine làm việc cho Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới ở Thành phố Gaza, cho biết: “Điều này có nghĩa là chúng tôi không chỉ giết và làm bị thương bạn mà còn đảm bảo bạn không có nơi nào để đi điều trị”.

Theo Cơ quan Y tế Gaza, khoảng 190 nhân viên y tế nằm trong số hơn 11.000 người Palestine thiệt mạng kể từ khi chiến tranh nổ ra. Cuộc ném bom của Israel cũng đã phá hủy 31 xe cứu thương và khiến 20 bệnh viện ngừng hoạt động. Cuộc chiến được châm ngòi bởi cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10 của Hamas vào miền Nam Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng.

Naseem Hassan, một bác sĩ 48 tuổi ở thành phố Khan Younis phía Nam, chia sẻ: “Chúng tôi có cảm giác cái chết lúc nào cũng cận kề”. Ông nói có quá nhiều đồng nghiệp đã rời bệnh viện chỉ để vài giờ sau trở về trong túi đựng xác. “Đây là một cuộc chiến hủy diệt toàn diện và không có sự bảo vệ ở bất cứ đâu”, vị bác sĩ bức xúc.

Israel cho biết họ nhắm mục tiêu vào các chiến binh Hamas chứ không phải dân thường. Tuy nhiên, họ đã sử dụng chất nổ mạnh trong các cuộc tấn công vào các khu vực đông dân cư khiến nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng.

Luật nhân đạo quốc tế quy định ra sao?

Những tuyên bố và phản bác về các bệnh viện ở Gaza đã đặt ra những câu hỏi cấp bách về những gì được bảo vệ theo luật chiến tranh.

Theo luật nhân đạo quốc tế, bệnh viện được bảo vệ đặc biệt khi chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết các bệnh viện có thể mất đi sự bảo vệ nếu các tay súng sử dụng chúng để che giấu chiến binh hoặc cất giữ vũ khí. Tuy nhiên, trước khi tấn công, các bên phải cảnh báo liên tục, tạo điều kiện cho bệnh nhân và nhân viên y tế sơ tán an toàn.

Theo bà Jessica Wolfendale, chuyên gia về đạo đức quân sự tại Đại học Case Western Reserve ở Ohio, ngay cả khi Israel thành công trong việc chứng minh Shifa che giấu một trung tâm chỉ huy của Hamas thì các nguyên lý của luật pháp quốc tế vẫn được giữ nguyên.

“Điều đó không cho phép cho một cuộc tấn công ngay lập tức. Cần phải thực hiện các bước để bảo vệ người vô tội nhiều nhất có thể”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.

Nếu tổn hại đối với dân thường không tương xứng với mục tiêu quân sự thì cuộc tấn công là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Trong một bài xã luận đăng ngày 10/11 trên tờ The Guardian của Anh, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan đã đưa ra cảnh báo bên tấn công phải có trách nhiệm chứng minh bệnh viện, trường học hoặc nhà thờ được sử dụng cho mục đích quân sự trước khi thực hiện hành động tấn công.“Nếu có nghi ngờ một cơ sở dân sự bị mất tư cách bảo vệ, bên tấn công phải chứng minh được điều đó”, ông Khan kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)
Israel, Hamas bước vào thời điểm quan trọng trong đàm phán con tin
Israel, Hamas bước vào thời điểm quan trọng trong đàm phán con tin

Việc “tạm dừng nhân đạo” ở Gaza đã hỗ trợ cho các cuộc đàm phán về con tin qua trung gian là Qatar và Ai Cập, nhưng sai sót vẫn có thể xảy ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN