Xung đột Nga - Ukraine định hình chiến thuật không quân mới của Mỹ ở châu Âu

19 tháng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, những bài học rút ra từ đó đang định hình chiến thuật của lực lượng Không quân Mỹ và NATO về cuộc chiến ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Máy bay F-16 của NATO tuần tra ở châu Âu ngày 4/7/2023. Ảnh: Reuters

Tướng James Hecker thuộc lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu cho rằng xung đột ở Ukraine đang thúc đẩy Lầu Năm Góc tập trung vào chiến thuật thay vì chiến lược vốn đã xác định mối quan hệ quân sự Mỹ - Nga ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Phát biểu với Thời báo Không quân Mỹ (Air Force Times) trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Hecker nêu rõ, lực lượng không quân của các thành viên NATO không còn bay vòng quanh châu Âu một cách thụ động mà họ hiện tập trung các nhiệm vụ kiểm soát trên không để thực hành các cuộc diễn tập tấn công và phòng thủ dọc theo sườn phía Đông của NATO.

NATO đã bắt đầu nghiên cứu các chi tiết về cách duy trì quyền kiểm soát trên không của chính mình trong khi tìm cách phá vỡ hệ thống phòng thủ của đối phương.

Tướng Hecker lưu ý, ưu tiên hàng đầu của không quân Mỹ là tìm ra cách chống hệ thống phòng không và tên lửa, khả năng gây nhiễu điện tử và các khả năng chống xâm nhập, chống tiếp cận khu vực (A2/AD) khác của đối phương.

Theo ông Hecker, đó đang là trọng tâm chính của các cuộc thảo luận giữa Mỹ và các thành viên NATO ở cấp cao nhất.

"Đó là những kế hoạch cụ thể mô tả cách chúng tôi sẽ bảo vệ những mục tiêu quan trọng và có liên quan trong liên minh”, Đô đốc Rob Bauer thuộc quân đội Hà Lan, Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO, cho biết thêm. Ông cũng nhấn mạnh rằng NATO đang đặt ra các mục tiêu phát triển các khả năng cần thiết để ngăn chặn các mối đe dọa cụ thể, như vũ khí siêu vượt âm và phương tiện không người lái ở mức độ lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Đối với các lực lượng không quân NATO, điều đó đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ hơn cách bảo vệ không phận của chính họ và tiếp cận không phận của đối phương. Vấn đề này đã được các đại diện của những nước thành viên NATO bắt đầu tìm hiểu kể từ hội nghị chiến thuật và vũ khí đầu tiên của NATO, hay còn gọi là “WEPTAC”, diễn ra ở Căn cứ Không quân Ramstein, Đức, từ ngày 17 - 28/7 vừa qua.

Tướng Hecker thông báo tại hội nghị trên, các quan chức NATO đã thảo luận về máy bay và vũ khí mà liên minh sẽ cần cho nhiệm vụ chống lại A2/AD ở châu Âu, đồng thời đưa ra các kỹ chiến thuật mà các phi công sẽ áp dụng trên thực địa. Nhiều chỉ huy Không quân Mỹ đã chỉ ra rằng máy bay không người lái, thiết bị tàng hình và tầm xa, cùng vũ khí điện tử là những lựa chọn để nghi binh hoặc phá hủy các hệ thống phòng thủ của đối phương và "dọn đường cho các máy bay chiến đấu truyền thống hơn".

Ông Hecker nói: “Chúng tôi đã lập rất nhiều kế hoạch ở cấp độ chiến thuật cho loại nhiệm vụ đó. Chúng tôi sẽ sử dụng kế hoạch đó để diễn tập và thực hành khi chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm soát trên không ở sườn phía Đông của NATO”. Ông tuyên bố phi công Mỹ đã bắt đầu luyện tập những kỹ thuật đó trong các cuộc xuất kích huấn luyện với máy bay chiến đấu của châu Âu ở sườn phía Đông. 

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các máy bay của NATO đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra trên không suốt ngày đêm để ngăn chặn xung đột lan sang các quốc gia châu Âu khác. Tướng Hecker thông báo thêm NATO cũng sẽ thử nghiệm những chiến thuật đó tại một cuộc tập trận huấn luyện lớn mới, Ramstein Flag, ở Hy Lạp vào cuối năm 2024.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo defensenews.com)
EU thừa nhận phương Tây 'do dự' trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine vì sợ leo thang xung đột
EU thừa nhận phương Tây 'do dự' trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine vì sợ leo thang xung đột

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho rằng Mỹ lo sợ leo thang và "kích động phản ứng" từ Nga nên "do dự" trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời thông báo sẽ có "cuộc họp cấp cao" về Ukraine vào tháng 9 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN