Xung đột Ukraine khiến Đức ‘xoay 180 độ’ về đối ngoại và quốc phòng

Trong thời hạn 30 phút, Thủ tướng Olaf Scholz đã đảo ngược chính sách đối ngoại và quốc phòng vốn được Đức theo đuổi và áp dụng trong nhiều thập kỉ qua, tờ Financial Times ngày 28/2 bình luận.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 27/2. Ảnh: Getty Images

Phát biểu trước Quốc hội Đức trong phiên họp đặc biệt ngày 27/2, Thủ tướng Scholz tuyên bố sẽ dành ra khoản ngân sách 100 tỉ euro (115 tỉ USD) để hiện đại hóa quân đội. Ông cũng khẳng định Đức sẽ nâng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đúng cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những kế hoạch này có thể đánh dấu thời khắc bước ngoặt của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong can dự với thế giới.

Khi lên nắm quyền ba tháng trước đây, nội các của Thủ tướng Scholz vẫn lựa chọn tiếp cận chính sách của người tiền nhiệm Angela Merkel, với kế hoạch tham vọng về hiện đại hóa sản xuất trong nước và dè chừng, thận trọng trong can dự đối ngoại, tránh có các bước đi có thể làm tổn hại đến nền kinh tế.

Nhưng xung đột tại Ukraine đã đẩy nước Đức sang hướng khác. Tổng thống Putin đã tạo ra một thực tế mới khi can thiệp quân sự ở Ukraine và cần phải có đáp trả rõ nét với thực tế mới này – ông Scholz phát biểu trước các nghị sĩ. Hình ảnh về chiến sự ở Ukraine cùng với tâm lý phản đối ngày một lớn trong dư luận Đức trước việc Berlin chần chừ hành động đã đẩy nội các của Thủ tướng Scholz đi tới kế hoạch hành động mà ngay cả những đồng minh của Đức trước đó mất rất nhiều năm thuyết phục, gây sức ép nhưng vẫn không thành.

Bản kế hoạch mới có nhiều điểm vượt khỏi sách truyền thống bị coi là cứng nhắc của Đức vốn coi hệ quả cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là lý do để biện minh cho việc né tránh chi tiêu quốc phòng, tập trung cho thương mại và đối thoại thay cho áp quan điểm cứng rắn với các nước toàn trị.

Nhiều tuần trước, chính phủ Đức vấn bám sát đường hướng chính sách lâu nay về không cung cấp vũ khí cho các khu vực đang có xung đột. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng việc làm này chỉ làm gia tăng nguy cơ bạo lực. Về phần mình, ông Scholz cũng né tránh đề cập đến dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic.

Nhưng đến ngày 22/2, Thủ tướng Scholz cuối cùng cũng đã đồng ý dừng phê chuẩn cấp phép đối với dự án này sau nhiều tháng phản đối sức ép của Mỹ, theo sát quan điểm của bà Merkel coi đây là dự án thương mại thuần túy.

Chú thích ảnh
Đức quyết định ngừng xem xét cấp phép vận hành với dự án Nord Stream 2. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Baerbock ngày 28/2 thừa nhận Đức đã “xoay 180 độ”, dần từ bỏ một nước Đức đặc biệt kiềm chế trong chính sách đối ngoại và an ninh. “Nếu thế giới chuyển biến khác, nền chính trị của chúng ta cũng phải khác đi”, bà Baerbock – người thuộc đảng Xanh, một chính đảng theo truyền thống hòa bình, nêu quan điểm.

Tín hiệu đầu tiên của dịch chuyển xuất hiện đêm ngày 26/2. Đức là nước lớn cuối cùng ở phương Tây chấp nhận áp đặt trừng phạt tài chính, ngắt một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Cùng thời điểm, Đức chấp thuận việc để Hà Lan chuyển giao 400 bệ phóng tên lửa chống tăng và để Estonia giao 9 khẩu pháo lựu cho Ukraine. Đây là vũ khí do Đức sản xuất và vì thế việc chuyển giao cần có sự đồng thuận của Berlin. Chính quyền của Thủ tướng Scholz cũng cam kết chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger và 10.000 tấn nhiên liệu cho Ukraine.

Về kế hoạch hiện đại hóa quân đối với gói tài chính 115 tỉ USD, ông Scholz dự kiến sẽ thay thế các phi đôi tiêm kích Tornado lạc hậu bằng tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Nhưng ông cũng khẳng định thế hệ máy bay chiến đấu và xe tăng tiếp theo cần phải được chế tạo ở châu Âu, đặc biệt là tại Pháp.

Đảng Xanh cũng đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Scholz về tăng năng lực dự trữ khí đốt, than đá, xây hai trung tâm khí hóa lỏng (LNG) để tiếp nhận nguồn năng lượng này từ Mỹ và Qatar, coi đó là biện pháp giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga - nước hiện cung ứng 55% tổng nhập khẩu khí đốt của Đức. Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã đưa ra cách giải thích về chấp nhận mức nợ tăng để có được được nguồn tiền cho những dự án mới này. “Đó không phải là nợ. Đó là đầu tư cho tương lai của chúng ta” – ông Linder nêu quan điểm.

Bài phát biểu của Thủ tướng Scholz nhận được tràng pháo tay ủng hộ mạnh mẽ từ các nghị sĩ. Nhưng phía trước sẽ là bài kiểm định thực sự: Sau cú sốc ban đầu, liệu Đức có dễ dàng giảm nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga, chấp nhận mức giá năng lượng cao hơn và những bất ổn tài chính từ các doanh nghiệp Đức do lệnh trừng phạt SWIFT nhằm vào Nga?

Thorsten Benner, Viện trưởng Viện Chính sách công toàn cầu tại Đức, cho rằng rất khó để thay đổi quan điểm về thế giới chỉ sau một đêm. Chính phủ của Thủ tướng Scholz sẽ phải thuyết phục được công chúng, dư luận Đức, để họ thấy rằng những năm tháng dễ dàng đã qua và muốn trở lại con đường thuận lợi đó sẽ cần phải nỗ lực, chiến đấu.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Những điều chỉnh chính sách quan trọng của Đức do xung đột Ukraine-Nga 
Những điều chỉnh chính sách quan trọng của Đức do xung đột Ukraine-Nga 

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đánh dấu một bước ngoặt trong chính trường Đức. Nhiều nguyên tắc lâu đời của nước này đã bị đảo ngược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN