Gia Lai chỉ đạo làm rõ vụ 'ém' thông tin cháy rừng

Sau gần 2 tháng xảy ra vụ cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa và UBND huyện Đắk Đoa mới có báo cáo lên cấp trên.

Theo thông tin phản ánh và đơn kiến nghị của công dân, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 577/UBND-NL ngày 20/3/2019 chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trong việc phát, đốt, gây cháy rừng trồng và một số kiến nghị của công dân tại vụ việc không báo cáo thông tin cháy rừng tại xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa (Gia Lai).

Theo đó, công văn của UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác định diện tích rừng bị cháy, giá trị thiệt hại và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra cháy rừng mà không báo cáo sự việc. Đồng thời, tổ chức kiểm tra tất cả các hồ sơ liên quan đến việc thi công đường ranh cản lửa (gồm thiết kế kỹ thuật, hợp đồng giao khoán, biên bản nghiệm thu, chứng từ thanh toán) tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền về các sai phạm liên quan đến phản ánh của nhân viên tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa, báo cáo kết quả trước ngày 19/4/2019.

Trước đó vào tháng 2/2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa thi công công trình lâm sinh đốt trước có điều khiển tại các lô rừng thông, đã làm cháy 10 ha rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa xác định có hơn 105.000m2 rừng sản xuất và rừng phòng hộ được trồng vào năm 2003, 2004, 2010 thuộc địa giới xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa do Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa quản lý bị cháy. Báo cáo của UBND xã Hà Đông cho biết, đã có 14 hộ dân đến UBND xã kê khai có khoảng 14.500 cây bời lời bị thiệt hại do lửa cháy từ rừng thông lan sang (cây bời lời người dân trồng trên 2 năm tuổi, chiều cao 2m). Tuy nhiên, sau gần 2 tháng vụ cháy xảy ra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa và UBND huyện Đắk Đoa mới có báo cáo lên cấp trên. Nguyên nhân được UBND huyện Đăk Đoa báo cáo là do các vị trí cháy nằm trên đồi cao, gió mạnh, thực bì chủ yếu là cây đót, lau sậy rất khô, bắt lửa rất nhanh, thời gian cháy ngắn nên lửa cháy lan từ thực bì lên cành, thân cây. Tuy nhiên, báo cáo không nêu vì sao xảy ra vụ cháy.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Gia Lai xảy ra 4 vụ cháy rừng. Hàng chục ha rừng bị thiệt hại, trong đó có rừng tự nhiên, rừng dự án 661, rừng thông trồng và rừng keo. Đặc biệt, có vụ cháy do cán bộ ngành lâm nghiệp gây ra, bởi sơ suất trong quá trình đốt rừng có điều khiển.

Gia Lai hiện có 597.000 ha rừng, trong đó có khoảng 70% ha rừng nằm trong diện dễ cháy, tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Pah, Đắk Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Krông Pa, Kông Chro...

Hồng Điệp (TTXVN)
Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở Tây Ninh ở mức cực kỳ nguy hiểm
Nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng ở Tây Ninh ở mức cực kỳ nguy hiểm

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều tháng không có mưa nên hơn 58.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, khu rừng Văn hóa lịch sử Chàng Riệc, rừng phòng hộ Dầu Tiếng và diện tích rừng các huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh đang dự báo cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN