Phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn

Chiều 30/11, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức, ông Huỳnh Long Khánh, Trưởng Công an thành phố Phan Thiết thông tin cụ thể về các vụ vỡ huê hụi (chơi họ, huê) thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Phan Thiết.

Theo ông Huỳnh Long Khánh, liên tục trong tháng 10 và 11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) nhận được rất nhiều đơn tố cáo liên quan đến vỡ huê hụi. Tính đến cuối tháng 11, Cơ quan điều tra nhận được 369 đơn tố cáo với tổng số tiền gần 200 tỷ đồng, liên quan đến đường dây huê hụi của 4 cá nhân, gồm: Huỳnh Thị Thúy Vân (sinh năm 1996), Trần Thị Thanh Ngân (sinh năm 1998), Ngô Thị Loan Chi (sinh năm 1991), Nguyễn Thị Hoàng Sa (sinh năm 2001), tất cả đều ngụ tại thành phố Phan Thiết.

Hiện nay, các đơn tố cáo vẫn tiếp tục được gửi tới cơ quan điều tra. Trước tình hình này, Công an thành phố Phan Thiết báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh thành lập một tổ công tác chuyên thụ lý đơn và đưa vào tin báo tố giác tội phạm để xử lý. Đồng thời, Công an Phan Thiết báo cáo Bộ Công an ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân nói trên và ra thông báo truy tìm trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan điều tra của Công an thành phố đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và tiếp tục vận động các cá nhân còn lại quay về hợp tác với cơ quan điều tra.

Theo Thượng tá Trần Long Khánh, hình thức chơi hụi được pháp luật thừa nhận và cũng là hình thức góp vốn làm ăn từ lâu đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định rất rõ. Tuy nhiên tại Bình Thuận xảy ra rất nhiều lần vỡ hụi ở nhiều địa bàn khác nhau gây hậu quả rất nặng nề. Nguyên nhân là do hình thức chơi hụi không theo quy định của pháp luật mà lại chơi trên mạng xã hội với lãi suất rất cao, khác xa tôn chỉ mục đích góp vốn giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Vì thế khi chơi hụi, người dân cần tìm hiểu kỹ về người chơi, hình thức chơi; chủ hụi… tránh tình trạng chưa tìm hiểu kỹ và khi xảy ra vỡ hụi lại có những hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản; cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng; bắt giữ người trái pháp luật.

Ngày 29/11, Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Cao Bằng và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với: Dương Thế Trọng, trú tại thị trấn Xuân Hoà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), là nhân viên ngân hàng, về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. 

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Dương Thế Trọng được giao phụ trách hồ sơ vay vốn của khách hàng. Lợi dụng sự tin tưởng của người vay vốn, Trọng đã có hành vi lập khống các giấy tờ trong hồ sơ như lập hợp đồng tín dụng không đúng mục đích vay, lập khống chứng từ, nâng số tiền vay vốn trong hồ sơ, lừa dối để khách ký vào ủy nhiệm chi hoặc giấy rút tiền mặt… nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền vay vốn của khách hàng. 

Bước đầu Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, đối tượng Trọng đã có hành vi vi phạm đối với 63 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt số tiền trên 7 tỷ đồng.

Hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý đối tượng theo quy định.

Nguyễn Thanh - Quốc Đạt (TTXVN)
Kích vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi ‘tín dụng đen’
Kích vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi ‘tín dụng đen’

Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung, vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức. TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN