Cách quân đội Nga tiêu diệt xe tăng M-1 Abrams do Mỹ sản xuất ở Ukraine

Tên lửa dẫn đường chống tăng của Nga dường như là “sát thủ” chính của xe tăng M-1 Abrams của Ukraine.

Chú thích ảnh
Xe tăng M-1 Abrams do Mỹ sản xuất. Ảnh: AFP/TTXVN

Các xe tăng do phương Tây sản xuất của Ukraine – Challenger 2, Leopard 2 và M-1 Abrams – là những mục tiêu ưu tiên của lực lượng Nga. Ngoài lý do về tác chiến, việc tiêu diệt được xe tăng phương Tây cũng tạo ra một tiếng vang lớn, theo tờ Forbes mới đây.

Mặc dù là mục tiêu hàng đầu và cũng bất chấp tình trạng thiếu đạn pháo gần đây của Ukraine - sự thiếu hụt đạn pháo buộc các lữ đoàn thiết giáp Ukraine phải chiến đấu ở cự ly gần thay vì tầm xa - quân đội Ukraine cho đến nay chỉ mất 3 trong số 31 xe tăng M-1 do Mỹ sản xuất mà chúng ta có thể xác nhận. Trong khi đó, chỉ có ít nhất một chiếc Abrams khác đã bị hư hại.

Hiện tại, tên lửa dẫn đường chống tăng của Nga dường như là “sát thủ” chính của M-1 Ukraine. Nếu vậy thì đó là một lập luận thuyết phục về việc trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa cho xe tăng Abrams, nhưng cũng còn rất nhiều cách khác để tiêu diệt xe tăng.

Lữ đoàn cơ giới số 47 là đơn vị biên chế xe tăng Abrams duy nhất của quân đội Ukraine. Lữ đoàn 47 bắt đầu hoạt động ở phía Bắc Avdiivka, địa điểm diễn ra cuộc tấn công mùa Đông của Nga và những xe tăng M-1 Abrams xuất hiện sau đó một thời gian ngắn, thay thế cho một số xe tăng Leopard 2A6 còn sót lại của Lữ đoàn.

Những xe tăng M-1 Abrams đã tham gia vào cuộc giao tranh cường độ cao khi quân Ukraine rút lui khỏi đống đổ nát ở Avdiivka và thiết lập một tuyến phòng thủ mới cách đó khoảng 10km về phía Tây. Tại đây, Lữ đoàn 47 và các đơn vị liên quan đã phòng thủ nhằm chặn bước tiến của quân Nga.

Lữ đoàn 47 bị mất chiếc M-1 đầu tiên vào (hoặc trước) ngày 26/2 vừa qua, khi một tên lửa đã tấn công tháp pháo, theo sau là một máy bay không người lái của Nga tấn công khoang chứa đạn của xe tăng, khiến nó bốc cháy và cuối cùng bị phá hủy.

Xe tăng Abrams thứ hai bị tiêu diệt vào ngày 3/3 - lần này được cho là do tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser Kornet bắn trúng phần được bảo vệ tương đối yếu của thân xe tăng và xuyên thẳng qua lớp giáp phản ứng nổ M-19. Kornet có đầu đạn công dụng kép: khi chạm vào thân xe tăng sẽ xuyên thủng lớp giáp và sau đó phát nổ bên trong xe tăng.

Xe tăng Abrams thứ 3 bị phá hủy một tuần sau vụ thứ hai, cũng là do một cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng, gây cháy nổ.

Một hệ thống phát hiện tia laser có thể sẽ giúp những xe tăng Abrams tránh trở thành “nạn nhân” của Kornet hoặc các tên lửa tương tự. Nhưng điều đó sẽ không ngăn chặn được sự tổn thất và cũng không ngăn cản được điều gần như chắc chắn xảy ra trong những tuần và tháng tới khi xung đột tiếp diễn, với 28 xe tăng M-1 còn lại tiếp tục chiến đấu: tổn thất do mìn, pháo binh và thậm chí có thể cả từ các xe tăng khác.

Tóm lại, M-1 Abrams là loại xe tăng đầy uy lực, nhưng không thể “bất khả chiến bại” trong cuộc giao tranh khiến hàng nghìn xe tăng của Nga và Ukraine đã bị phá hủy sau hơn 2 năm xung đột.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Khám phá xe tăng hiện đại mới của Triều Tiên
Khám phá xe tăng hiện đại mới của Triều Tiên

Triều Tiên giờ đây dường như có đủ khả năng sản xuất và phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực riêng. Xe tăng chiến đấu chủ lực M2024 mới của Triều Tiên tích hợp một số tính năng nhằm nâng cao khả năng hoạt động so với M2020 trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN