Lầu Năm Góc lý giải về quả bom hạt nhân bị vẹo tại căn cứ ở Hà Lan

Bộ Quốc phòng Mỹ đã đính chính về bức ảnh “quả bom hạt nhân hư hại” tại một căn cứ quân sự ở Hà Lan.

Chú thích ảnh
Hình ảnh gây tranh cãi do FAS đăng tải. Ảnh: Guardian

Vào hôm 3/4, Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS) đăng tải một bức ảnh được cho là quả bom hạt nhân B61 bị hư hại tại căn cứ không quân ở Hà Lan. Trong bức ảnh còn có 3 binh sĩ Mỹ đánh giá thiệt hại của quả bom. Phần đuôi của quả bom dường như bị vẹo và mất một cánh. Ngoài ra còn có mảng băng dính màu hồng che một cái lỗ.

Bức ảnh được đính kèm trong phần cẩm nang năm 2022 của Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos (LANL) ở New Mexico dành cho sinh viên xin việc. LANL cho biết vị trí chụp bức ảnh là căn cứ không quân Volkel ở Hà Lan. Căn cứ Vokel là một trong sáu cơ sở quân sự nằm rải rác ở 5 quốc gia châu Âu chứa tổng cộng 100 quả bom hạt nhân B61. Những quả bom này vẫn là tài sản của Mỹ. Việc cất giữ này nằm thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Mỹ.

Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và LANL không bình luận về bức ảnh. Trong khi đó, giám đốc dự án thông tin hạt nhân của FAS là Hans Kristensen lại nhận xét rằng chưa rõ B61 trong bức ảnh là bom thật hay mẫu dành cho huấn luyện.

Vào 3/4, Lầu Năm Góc lên tiếng đính chính cho biết quả B61 trong bức ảnh là vũ khí giả dùng trong huấn luyện. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Oscar Seára nêu rõ: “Tại mọi cơ sở quân sự, chúng tôi có một đội phản ứng phải huấn luyện cùng nhau, và đó là những gì đã xảy ra, bức ảnh được đưa vào cẩm nang tuyển dụng”.

Bên cạnh đó, người phát ngôn lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu chỉ đề cập: “Mỹ duy trì các tiêu chuẩn ở mức cao nhất đối với nhân sự và thiết bị hỗ trợ kho vũ khí chiến lược, trong đó có huấn luyện thường ngày, hoạt động an ninh và bảo trì, để bảo vệ các năng lực quan trọng của Mỹ. Theo chính sách của Mỹ, chúng tôi không xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện hoặc thiếu vắng vũ khí hạt nhân tại bất kỳ địa điểm chung hay cụ thể nào, bao gồm cả các cuộc tập trận hoặc chiến dịch thật”.

Bom B61 là vũ khí hạt nhân chiến thuật duy nhất còn sót lại trong kho vũ khí của Mỹ. Có 100 quả bom B61 được cất giữ ở Hà Lan, Bỉ, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Binh sĩ tại 5 quốc gia này và Hy Lạp được huấn luyện về làm việc với B61. Trong trường hợp xảy ra chiến sự, sẽ cần có sự nhất trí của Mỹ, nhóm hoạch định hạt nhân thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Thủ tướng Anh để chuyển B61 cho các máy bay của đồng minh. Hoạt động chia sẻ hạt nhân như vậy được huấn luyện hàng năm trong cuộc tập trận Steadfast Noon của NATO.

B61 đã được hiện đại hóa và phiên bản mới B61-12 dự kiến sẽ được chuyển đến châu Âu trong năm 2024.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Khi đường biên giới của NATO với Nga tăng gấp đôi kể từ hôm nay 4/4
Khi đường biên giới của NATO với Nga tăng gấp đôi kể từ hôm nay 4/4

Lá cờ Phần Lan màu trắng xanh tung bay trước trụ sở NATO vào ngày 4/4 sẽ đưa Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của khối và làm tăng gấp đôi đường biên giới của Nga với liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN