Phần Lan cho phép Mỹ tiếp cận 15 căn cứ quân sự

Phần Lan sẽ cấp cho Mỹ quyền tiếp cận 15 căn cứ quân sự của nước này theo một hiệp ước hợp tác quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen tuyên bố ngày 14/12.

Chú thích ảnh
Từ trái sang, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius ngày 12/7/2023. Ảnh: Sputnik

Tuần tới, Mỹ và Phần Lan dự kiến sẽ ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tại Washington. Nhật báo Phần Lan Helsingin Sanomat đưa tin rằng, theo thoả thuận, 15 căn cứ của nước này sẽ tiếp đón lực lượng lục quân, hải quân và không quân Mỹ.

Nội các Phần Lan cũng đã nêu rõ rằng thỏa thuận sẽ được ký vào ngày 18/12. Sau đó, nó cần phải được Quốc hội phê chuẩn.

Bộ trưởng Hakkanen cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình: “Mỹ cam kết bảo vệ chúng tôi trong thời kỳ khó khăn. Đây là một thông điệp cực kỳ quan trọng hiện nay”.

Thỏa thuận sẽ cung cấp cho Mỹ quyền tiếp cận và sử dụng "các cơ sở và khu vực đã thỏa thuận; bố trí các thiết bị, vật tư và trang thiết bị quốc phòng trên lãnh thổ Phần Lan; quyền ra vào và di chuyển của máy bay, tàu và các phương tiện của Mỹ; quyền đảm bảo được bảo vệ, an toàn và an ninh của lực lượng Mỹ cũng như các cơ sở và khu vực mà họ sử dụng; quyền tài phán hình sự; và các vấn đề thực tế đa dạng liên quan đến hoạt động của lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Phần Lan” - theo tuyên bố của nội các Phần Lan. 

Vừa tuần trước, nước láng giềng Thụy Điển cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với Mỹ cho phép Washington tiếp cận 17 khu vực bao gồm 4 căn cứ không quân, 1 bến cảng và 5 doanh trại quân sự. Mỹ cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với Na Uy (thành viên đầy đủ của NATO) cung cấp cho nước này quyền tiếp cận lần lượt 4 căn cứ mới ở khu vực Bắc Âu.

Ngày 4/4/2023, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, chấm dứt chính sách không liên kết kéo dài nhiều thập kỷ của quốc gia này. Với việc nước này gia nhập liên minh, biên giới của NATO đã kéo dài gần 1.300 km dọc biên giới Nga-Phần Lan.

Chú thích ảnh
Trong ảnh chụp ngày 29/8/2014, các tàu rà phá mìn của hải quân NATO neo đậu ở Turku, Phần Lan, trong cuộc tập trận quân sự quốc tế Bờ biển phía Bắc 2014 (NOCO14). Ảnh: Sputnik International

Các quan chức Nga đã bày tỏ mối quan ngại lớn về hoạt động chưa từng có của NATO ở biên giới phía Tây nước này với lý do "răn đe". Moskva cũng đã nhiều lần nêu lên quan ngại về việc liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu tăng cường quân sự ở châu Âu. Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Nga "không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ ai, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của mình".

Phần Lan, cùng với Thụy Điển, đã nộp đơn đăng ký thành viên chỉ vài tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đơn đăng ký của Thụy Điển vẫn đang chờ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn.

Hãng tin Reuters đưa tin vào tháng 7, Phần Lan hiện đang cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt ở biên giới Thụy Điển, để giúp các đồng minh dễ dàng gửi quân tiếp viện và thiết bị từ bên kia Đại Tây Dương đến Kemijarvi, cách biên giới Nga một giờ lái xe và cách pháo đài hạt nhân của Nga - căn cứ quân sự gần Murmansk trên bán đảo Kola, 7 giờ lái xe.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Reuters)
Nga cảnh báo đáp trả nếu Kiev sử dụng căn cứ không quân NATO
Nga cảnh báo đáp trả nếu Kiev sử dụng căn cứ không quân NATO

Quan chức Nga tuyên bố Moskva sẽ sử dụng các biện pháp đáp trả nếu Kiev sử dụng các căn cứ không quân của NATO để thực hiện nhiệm vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN