Quân sự là 'điểm mù' trong cuộc chiến chống khí thải nhà kính

Trong bối cảnh nhiệt độ thế giới tiếp tục đạt đến ngưỡng xô đổ các kỷ lục, giới khoa học và các nhóm môi trường đang yêu cầu Liên hợp quốc đề nghị quân đội các nước tiết lộ lượng khí thải của họ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật tại Paju, phía bắc Seoul, ngày 3/3. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo ước tính năm 2022 của các chuyên gia quốc tế, quân đội của những nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới chịu trách nhiệm cho 5,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang không bị ràng buộc bởi thỏa thuận khí hậu quốc tế để báo cáo hoặc cắt giảm lượng khí thải carbon của họ.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết khí thải quân sự ở nước ngoài, từ máy bay phản lực đến các cuộc tập trận, đã bị loại khỏi Nghị định thư Kyoto 1997 - thỏa thuận về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - và được miễn trừ khỏi Hiệp định Paris 2015 với lý do dữ liệu về việc sử dụng năng lượng của quân đội có thể làm suy yếu an ninh quốc gia.

Giờ đây, các nhóm môi trường như Tipping Point North South và The Conflict & Environment Observatory cùng học giả từ các trường đại học Lancaster, Oxford và Queen Mary của Anh nằm trong số các thực thể thúc đẩy báo cáo khí thải quân sự toàn diện và minh bạch hơn.

Vào tháng 2, họ đã viết thư cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) kêu gọi cơ quan này liệt kê khí thải quân sự bởi tầm quan trọng của chúng đối với việc tính toán carbon toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện tại có ít dấu hiệu cho thấy sẽ có phản ứng đối với nỗ lực này trong năm nay. Qua email phản hồi, UNFCCC cho biết chưa có kế hoạch cụ thể nào để sửa đổi hướng dẫn về thống kê khí thải quân sự. Nhưng UNFCCC nói rằng vấn đề này có thể được thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai, bao gồm cả Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Khi được hỏi liệu khí thải quân sự có được thảo luận tại COP28 hay không, lãnh đạo UAE cho biết một trong những ngày chủ đề của họ tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai tuần khai mạc từ 30/11 sẽ là “cứu trợ, phục hồi và hòa bình” và không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Các học giả từ Đại học Oxford và Queen Mary ở London sẽ tổ chức một hội nghị về khí thải quân sự ở Oxford vào ngày 26/9, với mục đích hình thành nghiên cứu mới có thể giúp tạo thay đổi đối với các yêu cầu báo cáo.

Chú thích ảnh
Binh sĩ và xe quân sự Đức thuộc Lữ đoàn bộ binh cơ giới 41 tham gia cuộc tập trận tại khu huấn luyện quân sự Gaiziunai ở Litva ngày 8/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Có dấu hiệu cho thấy quân đội một số nước đang chuẩn bị cho thay đổi trong yêu cầu báo cáo của họ những năm tới. Quân đội một số nước khác lại đang có những bước tiến để cắt giảm tác động khí hậu. Một ví dụ là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói với Reuters rằng họ đã tạo phương pháp để các thành viên báo cáo lượng khí thải quân sự.

Một số quốc gia như New Zealand đang tìm hiểu xem liệu có nên bổ sung những lĩnh vực đã bị loại trừ trước đó hay không, chẳng hạn như khí thải từ các chiến dịch ở nước ngoài. Anh và Đức lại đang tìm cách giải quyết các nội dung chưa rõ ràng trong báo cáo của họ.

Mỹ đã cử đại diện của Lục quân và Hải quân tới COP27 ở Ai Cập vào năm ngoái, đây là lần đầu tiên một phái đoàn Lầu Năm Góc tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu. Ông Meredith Berger thuộc Hải quân Mỹ, đồng thời là một trong những đại biểu của phái đoàn này thừa nhận: “Tôi cho rằng chúng ta có liên quan, chúng ta chắc chắn là đối tượng phát thải khi nói đến năng lượng và nhiên liệu hóa thạch”.

Việc sử dụng dầu và khí thải của quân đội Mỹ đang giảm. Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ, nơi giám sát hoạt động mua dầu, cho biết 84 triệu thùng đã được mua vào năm 2022, giảm gần 15 triệu thùng so với năm 2018. Trong khi đó, lượng phát thải vào năm 2022 đã giảm xuống 48 triệu tấn so với 51 triệu tấn của năm trước. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết con số này bao gồm mọi loại phát thải, tuy nhiên, cơ quan này đã loại bỏ nội dung vận tải quốc tế và dầu nhiên liệu trong báo cáo gửi tới UNFCCC.

Giáo sư Neta Crawford tại Đại học Oxford nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hơn cũng như giảm quy mô và tần suất các cuộc tập trận quân sự, đã góp phần hạ tiêu thụ nhiên liệu. Việc sử dụng máy bay không người lái cũng có thể giúp ích.

Tuy nhiên, quân đội một số nước lại có quan điểm rằng công bố chi tiết về việc sử dụng nhiên liệu sẽ làm lộ các hoạt động của họ ở nước ngoài. Ông Markus Ruelke từ Bộ Quốc phòng Đức cho biết: “Chúng tôi không muốn cho mọi người nắm được chúng tôi sử dụng bao nhiêu nhiên liệu trong các nhiệm vụ này, chúng tôi bay bao xa, lái xe bao xa và mô hình tập luyện của chúng tôi là gì”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Biến đổi khí hậu khí khiến địa chất nước Anh dịch chuyển bất thường
Biến đổi khí hậu khí khiến địa chất nước Anh dịch chuyển bất thường

Thời tiết khắc nghiệt đang khiến lớp đất đá bên dưới nước Anh dịch chuyển nhiều bất thường, làm nứt hoặc nghiêng nhà cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN