Rau quê

Mẹ ở quê gửi lên một giỏ rau thiệt to. Đó là những loại rau quê gần gũi, mọc quanh vườn nhà: mướp, cải trời, đắng đất, nhãn lồng, đọt lang, bồ ngót... Có loại mọc hoang, có thứ được mẹ mua hạt giống về gieo trồng. Các loại rau đều được mẹ chăm sóc tỉ mẩn.

Mùa này trời mưa liên miên, có thể nói là "thiên thời" để các loại rau xanh um tươi tốt. Rau nào cũng mập ú, non múp, nhìn rất bắt mắt. Nhưng việc trồng rau coi dễ chứ gian nan vô cùng. Dù mẹ đã rào lưới để ngăn chặn việc phá phách nhưng không thể cản trở được những đôi cánh to khỏe của mấy chú gà trống choai. Rồi mưa nhiều, nhiều loại rau như rau bồ ngót, khoai lang, khoai mì... mới dâm cành được vài hôm thì bắt gặp cả cơn mưa dầm dề, dai dẳng thúi đất khiến cho gốc úng không bén rễ, thân cũng chẳng đâm chồi. Mẹ buộc phải dùng tấm phên che mưa để cây không chết.

Khi rau đã trưởng thành thì lại có nỗi gian nan khác kéo về. Ba ra sau nhà chặt vài cây tre già rồi làm thành nhiều giàn để cho mướp, mồng tơi, bầu, bí leo lên. Không có giàn, chúng bò ngổn ngang, vô trật tự, không khéo vô tình giẫm lên thì mất mùa. Thích nhất khi vào vụ, nhìn các loại quả bầu, bí, mướp đong đưa trên giàn trông thật dễ thương. Hay các loại đậu bắp, cà chua, dưa leo, cà tím lắp ló sau những tán lá xanh rì trông như bức họa thiên nhiên trừu tượng lòe loẹt nhưng cuốn hút ánh nhìn khi bước vào vườn.

Rồi mẹ cắp rổ đi hái rau, cắt quả. Bao giờ cũng thế, mẹ làm công việc này một cách nhẹ nhàng như thể sợ làm đau thân cây. Dù thu hoạch rau quả rất nhiều nhưng mẹ không bán. Mẹ mang biếu nội, ngoại cả giỏ xách, một số dùng để ăn, phần còn lại là gửi xe đò lên cho tôi. Lần nào nhận hàng mang về phòng trọ, tôi đều chịu khó giở mảnh giấy mẹ ghi ngồi đọc cặn kẽ.

Đại loại là mẹ dặn mướp thì nấu canh lơ với bồ ngót; rau đắng thì luộc chấm chao, tương (nhưng nhớ giữ nước luộc húp); mồng tơi thì nấu lẩu; rau càng cua thì bóp gỏi với đậu phộng... Lúc đầu tôi thấy khó chịu vì chuyện này, bởi cảm giác tự ái khi bị mẹ xem như đứa con nít, cái gì cũng lo thái quá. Nhưng dần dần tôi nhận ra đó là việc phải làm của một người mẹ. Phụ nữ, nhất là những bà mẹ có con đang tuổi bước qua ngưỡng thanh niên, họ rất lo lắng cho con cái, từ cái ăn, giấc ngủ, cho đến chuyện xã giao với bạn bè. Con càng xa nhà thì nỗi lo, sự quan tâm ấy càng dài theo. Cho nên càng nghĩ tôi càng thương mẹ nhiều hơn.

Đã rất nhiều lần tôi kêu mẹ: "Đừng cực khổ gửi rau lên cho con, trên thành thị thứ gì mà chẳng có". Mẹ giận, cho rằng "Nó đủ lông đủ cánh rồi không còn nhớ đến bà già này nữa". Ba điện thoại lên cho biết, tôi vội vàng gọi về xin lỗi mẹ, giãi bày rằng chỉ sợ mẹ cực khổ chứ nào có bất hiếu gì đâu. Thử nghĩ, nhà xa bến xe, độ 3 cây số, giao thông ở quê thì không trật tự. Mỗi lần gửi rau lên cho tôi, mẹ phải đạp xe đến mướt mồ hôi, nhất là lúc lên dốc cầu. Cũng đã vài lần mẹ bị xe gắn máy va quệt, dù chạy xe sát lề. May là mẹ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Biết cực khổ, nhưng mẹ lại thích thú khi làm điều đó. Ba bảo: "Cứ mỗi lần soạn rau đóng gói lên cho con là mẹ con nôn nóng, vẻ mặt tươi rói như sắp đi hội chợ vậy". Mẹ cho rằng rau mẹ trồng sạch, ngon hơn rau ngoài chợ. Thời buổi hóa chất độc hại tràn lan len lỏi trong mấy luống rau xanh um dù đã ghi mác “rau sạch” hẳn hoi, nên mẹ sợ ăn bên ngoài không tốt cho sức khỏe. Vì vậy ban đầu tôi còn dùng cơm "bụi", sau đó thì ngoan ngoãn nghe lời mẹ chịu khó nấu cơm, chế biến thức ăn ở phòng. Dù có phần bừa bộn, cực nhọc nhưng bao giờ cũng ngon hơn bên ngoài. "Ngon như nhà làm" là thế.

Bạn bè bảo tôi tính toán, quá dè sẻn nên cái gì cũng bắt ba mẹ gửi lên. Mặc kệ họ. Đối với tôi, được dùng những thứ do ba mẹ làm ra, tạo ra luôn ngon và chất lượng. Bởi trên hết, bên trong ấy có tình cảm thiêng liêng của ba mẹ dành cho tôi.
Nguyễn Thanh Vũ
Giàn trầu của ngoại
Giàn trầu của ngoại

Bao giờ cũng vậy, khi có dịp về thăm ngoại tôi hay ra giàn trầu để ôn lại thời thơ ấu của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN