Bảo hiểm y tế sẽ là 'cứu cánh' cho người nhiễm HIV/AIDS

Khi các nguồn kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm, việc hỗ trợ cấp phát miễn phí thuốc điều trị ARV và xét nghiệm cho bệnh nhân có “H” cũng bị dừng lại, người bệnh sẽ phải tự chi trả chi phí điều trị; lúc này việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đầy đủ sẽ là “cứu cánh” cho người bệnh.

 

Thẻ BHYT sẽ giúp người bệnh HIV được chi trả chi phí điều trị liên tục. Ảnh: TTXVN

Khó kiểm soát bệnh nếu không bao phủ BHYT

 Từ năm 2019, thuốc kháng virút (ARV) và chi phí xét nghiệm cho người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp phát miễn phí, mà chuyển qua thanh toán thông qua BHYT, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm. Vì vậy, để giữ vững kết quả điều trị, việc người bệnh tham gia đầy đủ BHYT là quan trọng.

 Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến hết quý I năm 2018 cả nước có hơn 208.000 người nhiễm HIV được phát hiện và quản lý. Hiện cả nước đã có 83,4% bệnh nhân HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT, trong đó mới có 5 tỉnh, thành phố đạt 100%; thậm chí ở một số địa phương, độ bao phủ BHYT trong nhóm đối tượng này vẫn còn thấp, thậm chí có nơi chỉ đạt khoảng 50%.

 Theo các chuyên gia hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS là khoảng hơn 4 triệu đồng/người/năm. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị có thể tăng lên gấp 7 - 8 lần. Bởi vậy nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để được điều trị bằng thuốc ARV.

 Tuy nhiên hiện nay để phấn đấu bao phủ 100% số bệnh nhân HIV tham gia BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người chưa có điều kiện để tiếp cận.

 Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp bội.

 Trong khi đó, hiện nay nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa hiểu hết được lợi ích của tấm thẻ BHYT. Nhiều người cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT mà không biết rằng trong thời gian tới họ sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị. Bên cạnh đó, còn có nhiều người bệnh không đủ sức lao động, kinh tế khó khăn không có tiền mua thẻ BHYT...

 Cũng theo ông Cảnh, vẫn còn một số rào cản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận với BHYT, đó là hiện nay cả nước có hơn 400 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV nhưng chỉ có hơn 290 điểm thuộc các bệnh viện tỉnh, huyện là đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan BHYT nên không phải cơ sở điều trị nào người bệnh cũng được BHYT thanh toán.

 Cần tăng hỗ trợ mua thẻ BHYT

 Bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Mặc dù tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân nhiễm HIV đạt tỷ lệ cao trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa ổn định và bền vững. Với mục tiêu Việt Nam đặt ra là đến năm 2020 là 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT, 80% số thuốc ARV sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Vì vậy, rất cần đưa ra các giải pháp thích hợp để nâng cao tỷ lệ người nhiễm HIV có BHYT.

 Theo các chuyên gia, để đạt tỷ lệ bao phủ điều trị HIV, cần phải tạo mọi điều kiện để người bệnh có thể tham gia BHYT. Một trong các giải pháp quan trọng là hỗ trợ cấp phát thẻ miễn phí cho các đối tượng khó tiếp cận tham gia.

 Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết Cục đang rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, sẽ dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu. Hiện tại, một số tỉnh, thành phố cũng đã cân đối ngân sách của địa phương để mua thẻ cấp cho người nhiễm HIV.

 Cũng theo bà Thúy Anh, kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV sẽ được lấy từ nguồn kinh phí bố trí của các địa phương, từ Quỹ toàn cầu phòng chống HIV và Dự án Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR).

 Theo lộ trình, trong năm 2018 BHYT sẽ thanh toán các dịch vụ điều trị HIV/AIDS trừ thuốc ARV; năm 2019 sẽ thanh toán đầy đủ tất cả các dịch vụ điều trị.

 Theo ông Hoàng Đình Cảnh, để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT rất cần phải sớm hoàn thiện hệ thống thanh toán tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Bộ Y tế cũng đang tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT. Để đảm bảo bí mật thông tin cho người bị bệnh, người tham gia BHYT có quyền không cung cấp thông tin mắc bệnh gì khi mua thẻ.

 Đặc biệt, theo quy định mới, người nhiễm HIV cũng được tạo điều kiện mua thẻ BHYT riêng, không bắt buộc tham gia BYHT cùng tất cả thành viên trong gia đình cùng một thời điểm.

 Bộ Y tế cũng cho biết, việc thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT là bắt buộc theo quy định của pháp luật. Do đó, các địa phương cần sớm triển khai thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT theo đúng quy định. Các tỉnh, thành trong cả nước cần tập trung xây dựng sớm kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị BHYT.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hướng tới mục tiêu 90% phụ nữ mang thai và con được điều trị dự phòng bằng ARV
Hướng tới mục tiêu 90% phụ nữ mang thai và con được điều trị dự phòng bằng ARV

Chiều 7/6, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh cho biết: Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 diễn ra từ ngày 1-30/6 với chủ đề “Xét nghiệm HIV sớm-Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN