Cảnh báo về số ca ung thư và tử vong trong năm 2022

Ngày 1/2, Cơ quan quốc tế Nghiên cứu ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ước tính trong năm 2022 có thêm khoảng 20 triệu ca mắc ung thư các loại và khoảng 9,7 triệu người tử vong do căn bệnh này.

Trong đó, IARC lưu ý rằng ung thư phổi tiếp tục là căn bệnh phổ biến, đồng thời cảnh báo sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nước và vùng miền đang làm gia tăng gánh nặng đối với cơ sở y tế cũng như bản thân bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Tính trung bình trên thế giới, cứ 5 người thì có một người mắc bệnh ung thư trong cuộc đời mình. Xét về giới tính, cứ 9 nam giới thì có một người mắc, trong khi cứ 12 nữ thì có một người mắc. Kết quả này dựa trên số liệu phân tích và đánh giá từ 185 nước và đối với 36 loại bệnh ung thư. 

Trong báo cáo công bố mỗi năm 2 lần, IARC đặc biệt lưu ý đến việc tác động và hậu quả do ung thư gây ra phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc y tế của người bệnh. Chẳng hạn như, ở những nước phát triển nhất, tỷ lệ ung thư vú ở nữ giới là 1/12 song tỷ lệ tử vong chỉ là 1/71. Trong khi đó, ở những nước có chỉ số phát triển con người thấp hơn, tỷ lệ ung thư vú và tử vong lần lượt là 1/27 và 1/48.

Giải thích về tỷ lệ tử vong cao hơn, IARC cho rằng phụ nữ ở những nước có trình độ phát triển thấp hơn "có thể được chẩn đoán bệnh ít hơn". Việc chẩn đoán chậm hoặc không thể được chăm sóc và điều trị đầy đủ khiến phụ nữ ở những nước này có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này cao hơn nhiều so với phụ nữ ở nước có trình độ phát triển cao. 

IARC lưu ý các căn bệnh ung thư đang ngày càng ảnh hưởng đến người dân mà nguyên nhân chính là thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt. Chẳng hạn như, căn bệnh ung thư đại trực tràng đã nổi lên là bệnh ung thư phổ biến thứ ba và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong số bệnh nhân ung thư. Ung thư đại trực tràng thường liên quan đến các yếu tố về lối sống sinh hoạt như hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, số người mắc ung thư phổi vẫn chiếm con số cao nhất và ung thư phổi vẫn là "thủ phạm" gây tử vong hàng đầu, với lần lượt là 2,5 triệu ca mắc mới trong năm 2022 và 1,8 triệu ca tử vong hằng năm. Cơ quan nghiên cứu này cho rằng nguyên nhân chủ yếu có thể là do việc tiêu thụ thuốc lá đã thành thói quen khó bỏ đối với người dân khu vực châu Á. 

IARC ước tính thế giới sẽ ghi nhận thêm 35 triệu người mắc bệnh ung thư trong năm 2050, tăng 77% so với con số của năm 2022.

Nguyễn Hà (TTXVN)
Protein trong hệ thống miễn dịch có thể ngăn chặn ung thư đại trực tràng trong giai đoạn đầu
Protein trong hệ thống miễn dịch có thể ngăn chặn ung thư đại trực tràng trong giai đoạn đầu

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học Australia đã tìm ra một loại protein trong hệ thống miễn dịch có thể điều chỉnh được để giúp điều trị ung thư đại trực tràng, hay còn gọi là ung thư ruột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN