Nghiên cứu mới về những giấc ngủ ngắn ban ngày

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học College London (Anh) và Đại học Cộng hòa của Uruguay mới đây đã phân tích dữ liệu từ 35.080 người tham gia Ngân hàng sinh học của Anh và kết luận rằng ngủ trưa là chìa khóa để duy trì khối lượng của não khi con người già đi. Những giấc ngủ trưa sẽ giúp cho não bộ phát triển khỏe mạnh và con người cảm thấy trẻ hơn từ 3-7 tuổi.

Chú thích ảnh
Ngủ trưa là chìa khóa để duy trì khối lượng của não khi con người già đi. Ảnh minh họa: Getty Images

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, mặc dù vậy, Giáo sư Simon Smith chuyên nghiên cứu về giấc ngủ và sức khỏe của trường Đại học Queensland (Australia) cho biết kết quả nghiên cứu trên không hoàn toàn có nghĩa là những giấc ngủ ngắn thường xuyên sẽ giúp còn người có được “suối nguồn của tuổi trẻ” bởi tình trạng “teo não” có thể xảy ra trong một số tình trạng sức khỏe cụ thể, chẳng hạn như uống quá nhiều rượu, đột quỵ, bệnh Alzheimer… và cũng có thể xảy ra như một phần của quá trình lão hóa bình thường.

Theo ông Smith, nghiên cứu này đã cho thấy mối liên quan giữa giấc ngủ ngắn ban ngày và kích thước não, song hiện vẫn chưa rõ liệu giấc ngủ ngắn có làm tăng kích thước não hay không hay làm ngược lại. Nghiên cứu trên cũng chưa cho thấy mối quan hệ giữa giấc ngủ ngắn ban ngày và kết quả nhận thức. Vì vậy, ông Smith cho rằng còn quá sớm để đưa ra các khuyến nghị về giấc ngủ ngắn dựa trên những kết quả đó.

Tuy nhiên, giáo sư Smith thừa nhận rằng giấc ngủ trưa hoặc những giấc ngủ ngắn ban ngày vẫn khá phổ biến trong cuộc đời của mỗi người. Khi họ cảm thấy cần “chợp mắt”, điều đó có nghĩa là cơ thể của họ cần thời gian đó để nghỉ ngơi và phục hồi. Việc ngủ trưa rất phổ biến ở trẻ nhỏ và điều này có thể phản ánh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với quá trình học hỏi, tăng trưởng và khả năng phục hồi. Ở trẻ em, những giấc ngủ ngắn được chứng minh là giúp cải thiện khả năng học tập, mặc dù điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ.

Những giấc ngủ ngắn còn giúp con người đối phó với bệnh tật, tình trạng thiếu ngủ và tình trạng lệch múi giờ hoặc thay đổi thói quen. Ở người lớn, những giấc ngủ ngắn thường diễn ra nhiều hơn khi họ rất mệt mỏi và có thể giúp họ cải thiện được vấn đề nhận thức sau khi đã giảm bớt mệt mỏi hoặc căng thẳng, thế nhưng tác dụng của việc ngủ trưa thường xuyên đối với người lớn ít rõ ràng hơn.           

Cũng theo Giáo sư Smith, cách tốt nhất để đảm bảo giấc ngủ ngắn giúp con người sảng khoái là chỉ ngủ khoảng 15-20 phút. Điều này cho phép có đủ thời gian để thực sự đi vào giấc ngủ, nhưng không quá lâu để gây ra “quán tính giấc ngủ” hoặc cảm giác uể oải mà họ có thể cảm thấy sau khi thức dậy. Ngoài ra không nên thay thế giấc ngủ ban đêm bằng những giấc ngủ ban ngày bởi giấc ngủ ban đêm là tốt nhất và các hướng dẫn quốc tế về số giờ ngủ được khuyến nghị dựa trên thời lượng giấc ngủ ban đêm. Bên cạnh đó, đồng hồ sinh học bên trong cơ thể con người cũng hoạt động để duy trì giấc ngủ vào ban đêm.

Ông Smith cho biết thêm nếu mọi người cảm thấy muốn ngủ vào ban ngày và họ đang ở trong một môi trường cho phép điều đó thì họ nên “chợp mắt”. Điều này thường được coi là ổn, miễn là nó không gây ra vấn đề với giấc ngủ ban đêm. Những giấc ngủ ngắn có thể phổ biến hơn ở những người lớn tuổi thường phải đối mặt với nguy cơ suy giảm nhận thức, trẻ em ở các trường mầm non và tiểu học, người lao động, đặc biệt là những người làm việc theo ca hoặc bất kỳ ai làm việc không đúng giờ.

Thanh Tú (TTXVN)
Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp

Rối loạn giấc ngủ khiến con người dễ bị cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, trong đó có COVID-19, vốn có thể khiến người mắc phải nhập viện. Đây là kết quả nghiên cứu do Đại học Helsinki (Phần Lan) và Trường Y Harvard, Đại học Yale, Đại học Stanford (Mỹ) phối hợp thực hiện và được đăng tải trên Tạp chí y khoa eBioMedicine ngày 8/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN